Khí y tế: Cứu tinh của sự sống!

15:15 04/11/2022

Một số ứng dụng của khí oxy được ghi nhận hiện nay gồm hỗ trợ suy hô hấp các cấp độ khi con người lâm vào các tình trạng bệnh lý mà khả năng của phổi không thể tự hấp thụ được đủ oxy từ khí quyển; được sử dụng ở hầu hết các khoa, phòng trong bệnh viện, phòng cấp cứu, phòng mổ, hồi sức tích cực, phòng hồi tỉnh. Khí oxy đặc biệt cấp thiết đối với những bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp…

Định hướng của Chính phủ

Đảng và Nhà nước đã khẳng định quan điểm về chăm lo sức khoẻ nhân dân trong Nghị quyết Trung ương IV khoá VII với nội dung: “Thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, đa dạng hoá các hình thức tổ chức chăm sóc sức khoẻ”.

Bệnh nhân thở máy qua nội khí quản tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19

Bệnh nhân thở máy qua nội khí quản tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19.

Nhằm cụ thể hoá và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương IV khoá VII, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/08/1999 về chính sách khuyến khích xã hội đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, ngày 18/04/2005 Chính phủ đã ra nghị quyết 05/2005/NQ-CP về việc “Tăng cường hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình, cộng đồng... hỗ trợ các trang thiết bị y tế và hỗ trợ khả năng chữa bệnh”.

Từ định hướng chung của Chính phủ về hiện đại hóa trang thiết bị y tế, đặc biệt là trong bối cảnh vi-rút corona (COVID-19) bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Ghi nhận từ cuối tháng 12/2019 đến nay đã đặt chúng ta vào một trạng thái khó tả và khó lường. Vì vậy, việc kiện toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và phục vụ công tác phòng dịch luôn đặt lên hàng đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Chúng ta nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của khí y tế trong công tác khám chữa bệnh. Bệnh nhân suy hô hấp, giảm khả năng tự thở với nồng độ oxy thấp khiến cơ thể sẽ cần và rất cần oxy được làm giàu để hỗ trợ hô hấp bằng biện pháp trực tiếp và thông qua thiết bị hỗ trợ, máy móc (Mask máy trợ thở, và máy thở dòng cao HFLC).

Ngoài oxy, khí y tế nói chung là một khái niệm rộng, bao gồm toàn bộ các loại khí như: khí nén (Air 4 bar & 8 bar), khí hút hay còn gọi là khí áp lực âm (Vacuum); khí CO2; khí gây mê N2O… và còn rất nhiều loại khí y tế phục vụ trong công tác khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân cũng như công nghệ dược phẩm.

Y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là y tế tuyến huyện đóng trên địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo, nơi có điều kiện trang thiết bị còn tương đối thiếu thốn. Hệ thống khí trung tâm hầu như chưa có, chưa đáp ứng được tốt nhất công tác khám chữa bệnh; việc cung cấp các loại khí y tế vẫn đơn lẻ, không theo hệ thống và chưa kịp thời khi xảy ra tình huống thảm họa, dịch bệnh đột biến do nhu cầu tăng cao. Y tế tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa, và hải đảo thường có nhu cầu tiêu thụ oxy ở mức trung bình thấp nhưng bắt buộc phải có và đặc biệt là ứng phó với dịch bệnh liên quan đến hô hấp.

Ngày 7/9/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành “Đề án tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19”. Theo đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức kết nối cung - cầu chuẩn bị hạ tầng hệ thống để khai thác và sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực sản xuất oxy y tế; chuẩn bị cơ sở hạ tầng oxy, hệ thống khí trung tâm bao gồm 3 loại khí cơ bản (O2, Air, VAC) phục vụ điều trị người bệnh Covid-19.

Thực tế hiện nay, hạ tầng kỹ thuật oxy y tế ở các cơ sở y tế cơ bản đáp ứng công tác khám chữa bệnh thường quy, tồn tại một số hạn chế khi số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng cao. Nhiều cơ sở ở tuyến quận, huyện chưa có hệ thống oxy trung tâm, thiếu vỏ chứa oxy (chai, bình, bồn), không dự phòng cơ số vỏ chứa khi phải luân chuyển hoặc hỗ trợ điều trị, quản lý tại nhà, vận chuyển cấp cứu...

Các cơ sở y tế ở vùng sâu khó tiếp cận nguồn cung ứng oxy; khả năng điều phối, huy động nguồn cung ứng oxy, vận chuyển đến nơi có nhu cầu chưa đáp ứng kịp thời trong tình huống dịch bệnh tăng cao, thiên tai, thảm họa (bão lụt, chia cắt giao thông).

Nhu cầu thực tế khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn y tế tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa, và hải đảo cho thấy việc đầu tư lắp đặt hệ thống khí y tế trung tâm có ý nghĩa to lớn, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước về tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Những kiến thức cơ bản

Đi cùng với sự phát triển không ngừng của y tế hiện đại, nhiều phương pháp, vật dụng hỗ trợ chữa trị mới được áp dụng để đảm bảo hiệu quả khám chữa bệnh đạt chất lượng tốt nhất. Một trong những giải pháp được đánh giá là thúc đẩy và phát triển ngành y tế rất lớn là ứng dụng tối đa và triệt để các loại khí y tế vào công tác bảo quản dược phẩm và cứu chữa bệnh nhân.

Trong y học hiện đại, ứng dụng của khí y tế trong lĩnh vực điều trị, phẫu thuật, cấp cứu và chẩn đoán luôn đóng một vai trò quan trọng.

Trong y học hiện đại, ứng dụng của khí y tế trong lĩnh vực điều trị, phẫu thuật, cấp cứu và chẩn đoán luôn đóng một vai trò quan trọng.

Khí y tế có chung một nguồn gốc là chiết tách từ khí quyển theo phương pháp (chưng cất phân đoạn), tổng hợp từ phương pháp (điện phân nước tạo ra oxy) phản ứng hóa học, theo phương pháp sàng lọc phân tử PSA, khai thác từ mỏ khí, được làm giàu nồng độ, được pha trộn theo công thức, tỷ lệ yêu cầu, sau đó xử lý đạt chuẩn y tế để phục vụ. Khí y tế bao gồm loại khí bất kỳ hay hỗn hợp khí được sử dụng vào quá trình cung cấp cho hệ thống khí trung tâm, đơn vị lưu trữ để bệnh viện, bác sỹ ứng dụng vào điều trị, chẩn đoán và thí nghiệm trong lĩnh vực y khoa.

Trong lĩnh vực y tế hiện nay, có 7 loại khí y tế được ứng dụng vào công tác chữa trị phổ biến nhất, đó là khí Oxy (O2), khí nén 4 bar, khí nén 8 bar, khí hút Vaccum, khí Carbon Dioxide (CO2), khí Nito (N2) và khí Oxit Nitơ (N2O).

Khí Oxy (O2) được giới thiệu vào đầu những năm 1900. Khí oxy y tế được biết đến là một trong những sản phẩm được con người làm giàu nồng độ lên đến một nhu cầu mong muốn (theo dược điển châu Âu), có công dụng rất lớn trong lĩnh vực phục hồi và chăm sóc sức khỏe. Một số ứng dụng của khí oxy được ghi nhận hiện nay gồm hỗ trợ suy hô hấp các cấp độ khi con người lâm vào các tình trạng bệnh lý mà khả năng của phổi không thể tự hấp thụ được đủ oxy từ khí quyển, ngừng thở, cấp cứu, hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh COPD, xuất huyết nặng…

Khí nén 4 bar dùng để chạy một số thiết bị y tế hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân, đặc biệt là máy trợ thở và máy thở dòng cao Hflc.

Khí nén 8 bar dùng để vân hành một số máy như máy khoan cắt xương, máy nha khoa, xịt rửa dụng cụ.

Khí hút (Vacuum) dùng để hút dịch trong công tác điều trị bệnh nhân, đặc biệt là trong quá trình phẫu thuật và quá trình hậu phẫu.

Khí Carbon Dioxide (CO2): Trong y tế, khí CO2 thường được ứng dụng nhiều nhất vào bơm khí y tế trong các cuộc phẫu thuật ít xâm lấn, nội soi, soi dẫn trứng… Ngoài ra, CO2 cũng được sử dụng trong hỗ trợ kích thích hô hấp trong và sau gây tê, hoặc giúp quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi và trơn tru hơn.

Khí Nito (N2): Khí N2 thường được sử dụng vào quá trình loại bỏ tế bào ung thư hoặc tổn thương da. Bên cạnh đó, N2 còn được ứng dụng vào ngành sản xuất dược phẩm và sử dụng trong thủ thuật, hoặc đóng băng các mô.

Khí Oxit Nitơ (N2O): Khí N2O trong y tế thường được biết đến là “khí cười” bởi khả năng giảm đau và gây tê vô cùng hiệu quả. Được sử dụng đầu tiên vào lĩnh vực nha khoa những năm 1800. Đến nay, khí N2O đã và đang được sử dụng rộng rãi trong nhiều cuộc phẫu thuật, thủ thuật.

Các loại khí y tế sử dụng trong bệnh viện: Khí trung tâm oxy y tế (dùng cho bệnh nhân thở), gồm: nguồn ôxy lỏng (giúp chuyên chở và lưu trữ được nhiều); dàn hóa hơi (giúp chuyển đổi oxy lỏng về trạng thái khí) truyền tải vào hệ thống đường ống dẫn đến từng phòng chức năng của viện. Hệ thống dàn gom ( manifold) oxy chai dự phòng; thiết bị ngoại vi... Khí nén y tế: Khí nén 4 bar dùng để chạy máy móc, thiết bị và khí nén phòng mổ 7 bar; khí hút (Vaccum) hút dịch bệnh nhân trong và sau phẫu thuật và các thủ thuật khác; Khí hút khí gây mê (AGSS).....

Khí mê N2O trung tâm dùng trong gây mê; khí cacbonic (CO2) chủ yếu dùng cho phẫu thuật xâm lấn tối thiểu; khí hút chân không y tế trung tâm dùng để hút dịch; Hệ thống khí thải phòng mổ; Khí nitơ y tế được sử dụng như một chất làm lạnh trong phương pháp gây tê lạnh và phẫu thuật lạnh.

Hệ thống khí y tế trung tâm có các ưu điểm: thời gian triển khai lấy khí cấp cứu bệnh nhân nhanh, lưu trữ nhiều, và thường trực; dễ dàng khi sử dụng (không cần cờ-lê, dụng cụ tháo lắp); hệ thống ống dẫn bằng đồng nguyên chất không dầu được sản xuất dành riêng cho khí y tế, đạt tiêu chuẩn ISO 13485: 2016; Cấp khí liên tục vì nguồn khí trung tâm lớn, có nguồn chính và nguồn dự phòng; tiết kiệm không gian phòng và đảm bảo an toàn cháy nổ (lưu trữ truyền thống ở 150 bar, lưu trữ oxy trung tâm ở dải áp lực từ 4- 23 bar) điều này cho phép gần như không còn nguy cơ nổ ở áp suất quá cao.

Tầm quan trọng và thực trạng thiếu – yếu

Trong y học hiện đại, ứng dụng của khí y tế trong lĩnh vực điều trị, phẫu thuật, cấp cứu và chẩn đoán luôn đóng một vai trò quan trọng. Nó có ý nghĩa quyết định cho kết quả điều trị an toàn, phòng chống cháy nổ và tránh gây nhiễm khuẩn cho bệnh nhân. Vì vậy, vấn đề cung cấp khí y tế và hệ thống khí trung tâm luôn là nhu cầu hàng đầu và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hiện đại của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.

Ngày 16/12/2021, Bộ Y tế đã phát đi Công văn số 10667/BYT-TB-CT gửi các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối oxy y tế tại Việt Nam có nội dung về việc tăng cường sản xuất, cung ứng oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đây là động thái cấp bách của Bộ Y tế nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và nhiệm vụ của Tổ công tác điều phối oxy y tế phục vụ điều trị người bệnh COVID-19 toàn quốc. Nội dung công văn có đoạn: “qua nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc nói chung và tại một số tỉnh, thành phố đặc biệt là khu vực miền Tây đang có chiều hướng bùng phát, gia tăng mạnh, Bộ Y tế nhận được thông tin phản ánh của một số Sở Y tế trên địa bàn (Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang....) và một số nhà cung ứng oxy lớn trong khu vực (Sovigaz, Oxy Đồng Nai...) đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy y tế từ các nhà sản xuất. Bộ Y tế đặc biệt đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và phân phối oxy y tế tại Việt Nam cam kết, tập trung ưu tiên nguồn sản xuất, cung ứng oxy y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cứu chữa người bệnh COVID-19 trong tình hình dịch bệnh gia tăng hiện nay”.

Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) đang mạnh dạn đầu tư hệ thống khi y tế nhằm bảo đảm tốt hơn công tác khám, chữa bệnh

Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) đang mạnh dạn đầu tư hệ thống khi y tế nhằm bảo đảm tốt hơn công tác khám, chữa bệnh.

Cấp bách là như vậy nhưng điều này chỉ mới là khắc phục và cam kết nguồn cung, còn nguồn lưu trữ và hấp thụ để triển khai là hệ thống khí y tế Trung tâm tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện là một vấn đề cần xem xét và cần đầu tư đúng mực, cấp tốc và kịp thời, tránh tình trạng như vừa qua, trở tay không kịp

Trong thời gian đó, các số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, bình quân mỗi ngày tổng nhu cầu oxy cho y tế các tỉnh phía Nam khoảng trên 400 tấn (trong đó, nhu cầu tại TP. Hồ Chí Minh là khoảng trên 100 tấn, các tỉnh khác mỗi tỉnh khoảng 50 tấn).

Khi đó, Bộ Công Thương cũng đã phải tích cực vào cuộc, chủ động và triển khai hàng loạt giải pháp, cử đại diện tham gia Tổ ôxy do Bộ Y tế chủ trì, đã chỉ đạo rà soát, cung cấp đầy đủ số liệu về sản xuất, cung ứng oxy theo đề nghị của Bộ Y tế; Bộ Công Thương cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành chia sẻ, ưu tiên cung ứng tối đa oxy cho mục đích y tế, đồng thời đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng găm hàng, nâng giá, ép giá đối với mặt hàng ôxy lỏng.

Nhắc lại những thời điểm trên để thấy rõ ràng rằng khí y tế và đăc biệt là hệ thống khí trung tâm (nguồn lưu trữ hấp thụ) giữ vai trò vô cùng quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, bảo đảm sự sống của con người.

Đánh giá về thực tiễn lắp đặt, sử dụng hệ thống khí y tế trong các bệnh viện, cơ sở y tế của nước ta hiện nay, còn quá thiếu và yếu. Tính đến nay đơn cử theo khảo sát tự do cho thấy tỉnh Lai Châu có 1 bệnh viện tuyến tỉnh đầu tư hệ thống khí trung tâm đã lâu theo dự án có yếu tố Hàn Quốc. Trong 7 bệnh viện tuyến huyện thì và duy nhất bệnh viện huyện Than Uyên mới được đầu tư hệ thống khí trung tâm trong năm 2022 gồm 3 loại khí: Khí oxy trung tâm, khí nén Air4 trung tâm, khí hút. Lạng Sơn là một tỉnh cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 130km với 1 bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn và 11 bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, chỉ mới có một Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trung tâm y tế huyện Hữu Lũng đã có hệ thống khí y tế trung tâm. Như vậy cho chúng ta sự nhìn nhận chung là thiếu và rất thiếu.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay tại tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung có quy mô 490 giường bệnh thực kê, 5 Phòng chức năng, 4 Khoa cận lâm sàng và 14 Khoa lâm sàng. Bệnh viện đã trang bị được các loại máy móc thiết bị hiện đại: Máy CT Scanner, máy siêu âm màu; hệ thống nội soi tiêu hóa, nội soi khí phế quản; hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng; phẫu thuật nội soi sản khoa; hệ thống X.Quang kỹ thuật số; hệ thống máy sinh hóa tự động…

Bên cạnh đó, Bệnh viện này đang tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà khám, chữa bệnh trung tâm Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung với nguồn vốn sự nghiệp y tế ngân sách tỉnh đầu tư trong giai đoạn 2020–2023 khoảng 60% tổng mức đầu tư (87 tỷ đồng) ; Vốn ngân sách huyện Hà Trung giai đoạn 2020 – 2023 khoảng 27% tổng mức đầu tư (39 tỷ đồng).

Ứng dụng của hệ thống khí y tế trung tâm là yêu cầu bắt buộc và cấp bách, đặc biệt là các bệnh viện xây mới hỗ trợ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc lựa chọn doanh nghiệp thực sự có kiến thức chuyên sâu, có năng lực cao trong lĩnh vực này là đòi hỏi tối thượng. Điều này không những giúp cho công tác chữa trị, bảo đảm sự sống cho người bệnh mà còn góp phần vào công tác hiện đại hóa bệnh viện trong tình hình mới, tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư từ Ngân sách Nhà nước tại thời điểm hiện tại cũng như lâu dài.

Trần Linh