Hội thảo Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

23:35 03/06/2022

Hội thảo dự kiến có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện Bộ Kế hoach và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường… chuyên gia và báo chí.

Hội thảo do Viện Năng lượng - Bộ Công Thương và Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu (GWEC) đồng tổ chức. Hội thảo mang tên: “Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam: Hướng đến mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và Cam kết Net Zero”.

Viện Năng lượng cho biết, hiện nay Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó việc quy hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi rất được chú trọng với quy mô dự kiến lên tới 7 GW vào năm 2030, 16 GW vào năm 2035 và tới trên 64 GW vào năm 2045.

Hội thảo Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết với quốc tế tại Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), Việt Nam bằng mọi nỗ lực và với sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, sẽ tiến tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero).

Tuy có tiềm năng rất lớn nhưng điện gió ngoài khơi đến nay chưa có kinh nghiệm thực hiện tại Việt Nam. Do vậy, đặt ra thách thức rất lớn để đạt được mục tiêu phát triển đầy tham vọng này. Do đó, Hội thảo vào ngày 9/6 sẽ là cơ hội để trao đổi các nội dung, đồng thời thảo luận giữa chuyên gia Việt Nam và quốc tế về các vấn đề:

Thứ nhất: Giới thiệu nội dung quy hoạch điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII; lộ trình phát triển, những thách thức và các bước tiếp theo để thực hiện.

Thứ hai: Các bài học về nghiên cứu điển hình từ các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển điện gió ngoài khơi thành công như Vương quốc Anh, Đài Loan; từ các quy trình cấp phép hay nhất ở Anh và Đan Mạch; từ chuỗi cung ứng cạnh tranh trong nước và kinh nghiệm các thị trường điện gió ngoài khơi châu Âu…

Thứ ba: Nhận diện, làm rõ và chia sẻ khuyến nghị đối với các yếu tố quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam như: Vấn đề cấp phép khảo sát và phát triển dự án; Tại sao cần có cơ chế chuyển dịch trước cơ chế đấu thầu? Làm thế nào để kích hoạt nhu cầu đầu tư lớn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi? Các vấn đề liên quan đến hạ tầng và đấu nối lưới điện truyền tải; Khả năng tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi...

Hội thảo dự kiến có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện Bộ Kế hoach và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường… chuyên gia và báo chí.

Kỳ vọng qua sự kiện Hội thảo này, ngành Năng lượng tái tạo Việt Nam nói chung và lĩnh vực điện gió ngoài khơi nói riêng sẽ có nhiều bài học tốt trong nước và quốc tế để thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi phát triển hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo thực hiện lộ trình tiến tới Net Zero của Việt Nam đến năm 2050.

PV