Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại Phú Thọ

07:19 19/10/2022

Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh Phú Thọ đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng nhiều hoạt động thiết thực.

Tổ liên kết “Giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản xứ Mường” của Hội LHPN xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đóng hộp sản phẩm măng chua.
Tổ liên kết “Giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản xứ Mường” của Hội LHPN xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn đóng hộp sản phẩm măng chua.

Xác định khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh là giải pháp để phụ nữ tự tạo việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, Hội LHPN tỉnh Phú Thọ đã ban hành các kế hoạch hằng năm, kế hoạch chuyên đề triển khai Đề án; giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội LHPN các huyện, thành, thị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động của Đề án lồng ghép với kiểm tra công tác Hội tại địa phương, cơ sở; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các chương trình, dự án tại địa phương để huy động nguồn lực hỗ trợ triển khai Đề án.

Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, nhất là hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có ý tưởng khởi nghiệp. Đồng thời, tổ chức các buổi tuyên truyền, các lớp tập huấn về khởi nghiệp, phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ.

Trong năm năm, các cấp Hội đã tổ chức 6.780 buổi tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh... thu hút 1.059 nghìn lượt hội viên, phụ nữ tham gia; mở 95 lớp tập huấn cho trên 4.788 hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; phối hợp với Trung ương Hội tập huấn nâng cao năng lực cho Ban quản lý các tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, nữ chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ đào tạo nghề trên 1.500 phụ nữ từ nguồn ngân sách Nhà nước, hỗ trợ 1.159 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp với các ngành, nghề phù hợp.

Các cấp Hội cũng tập trung hỗ trợ kết nối, giới thiệu, đưa sản phẩm, hàng hóa của hội viên, phụ nữ lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, hỗ trợ tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố trong khu vực. Phối hợp xây dựng tám điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” cho hội viên, phụ nữ tại Cẩm Khê, Đoan Hùng, Tân Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Lâm Thao, Tam Nông, hai cửa hàng kinh doanh, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và nông sản Phú Thọ tại TP Việt Trì, huyện Đoan Hùng.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” để giúp hội viên, phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đến nay, đã có 123 ý tưởng, dự án tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh, giới thiệu 76 ý tưởng, dự án dự thi cấp Trung ương, trong đó có năm ý tưởng đạt giải được hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng với tổng kinh phí 350 triệu đồng và hai ý tưởng được trao Kỷ niệm chương.

Tổ liên kết “giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản xứ Mường” của Hội LHPN xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu tại địa phương. Tổ liên kết tập trung thu mua lại các sản phẩm như rau sắn, măng tươi, măng khô... của hội viên, phụ nữ và người dân địa phương. Sản phẩm sau khi thu mua sẽ được các thành viên trong tổ mang đi sơ chế, chế biến và đóng gói cẩn thận, theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Chị Hà Thị Hồng Hái - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Miếu cho biết: “Tổ liên kết “giới thiệu, quảng bá đặc sản xứ Mường” đã tạo việc làm cho các hội viên, tăng thêm thu nhập cho chị em những lúc nhàn rỗi. Bình quân thu nhập mỗi tháng đạt từ 2 - 3 triệu đồng/người. Để các sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn nữa, chúng tôi đã sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để quảng bá, giới thiệu từng món ăn, sản phẩm”.

Từ việc triển khai có hiệu quả Đề án 939, đã xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp khác của hội viên, phụ nữ như: HTX sản xuất và chế biến cây dược liệu (xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập) với sản phẩm chính là sản xuất và chế biến cao cà gai leo, hiện tại đã có mã vạch sản phẩm, tạo việc làm cho 22 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng; HTX chè sạch Sơn Hùng (huyện Thanh Sơn) quản lý 24ha chè với 16 thành viên, duy trì hoạt động hiệu quả với các sản phẩm từ chè búp tươi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên ba triệu đồng/người/tháng.

Bà Vũ Thị Thu Huyền- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phú Thọ cho biết: Với những hoạt động cụ thể, việc làm thiết thực của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã “khơi nguồn” cho hội viên, phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy sự sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp họ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

P.V