Hiệp hội Năng lượng kiến nghị kéo dài giá FIT điện năng lượng tái tạo

16:51 08/12/2020

Mới đây, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, kiến nghị kéo dài giá FIT hiện tại của điện gió và điện mặt trời.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Trong văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng cho biết, trong những năm qua các doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời và điện gió phát triển rất mạnh, tính đến nay đã có gần 8.000MW công suất đạt, đóng góp khoảng 5 tỷ Wh/năm cho sản lượng điện quốc gia.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khuyến khích đầu tư phát triển NLTT, điện gió, điện mặt trời. Hiện nay lĩnh vực này đang vướng mắc khó khăn về cơ chế giá; trong lúc Chính phủ chưa ban hành và chưa thực hiện được rộng rãi quy chế đấu thầu và tổ chức đấu thầu điện mặt trời, điện gió trên toàn quốc. 

Do đó, Hiệp hội Năng lượng đề nghị Thủ tướng Chính phủ "cho phép kéo dài giá FIT hiện tại của điện gió và điện mặt trời thêm ít năm nữa khi nào Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện được việc đấu thầu rộng rãi, lúc đó mới thay đổi giá điện gió, điện mặt trời".

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Bộ ngành lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư các dự án điện gió, đề xuất kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió đến hết năm 2023.

Bộ nêu ra các nguyên nhân cụ thể: Sau thời điểm Quyết định 39 có hiệu lực (1/11/2018), hoạt động đăng kí đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất bị ngừng trệ hơn một năm do chưa có các hướng dẫn thực hiện.

Tổng Giám đốc BCG Energy cho biết, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg đã điều chỉnh với các dự án điện gió vận hành trước ngày 31/10/2020 với mức giá là 9,8 UScents/kWh cho các dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 UScents/kWh cho các dự án điện gió trên bờ.

Do đó, Quyết định 39 đã có tác động thúc đẩy rất lớn đến thị trường điện gió của Việt Nam. Cho đến tháng 9/2020, có gần 11.600MW điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, có khoảng 65 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN và có 12 dự án mới với tổng công suất 470MW đã đưa vào vận hành.

“Mặc dù Quyết định 39 ra đời năm 2018, nhưng hơn 2 năm là thời gian quá ngắn đối với chu trình phát triển của điện gió, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đo gió, đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, thời gian thi công kéo dài do các dự án điện gió phần lớn thực hiện ngoài khơi và ven biển, nơi bị ảnh hưởng của yếu tố thời tiết có tác động không nhỏ đến việc thi công. Bởi vậy, cần gia hạn giá FIT với năng lượng tái tạo”, ông Phạm Minh Tuấn kiến nghị.

Dịch Covid-19 kéo dài cũng đã và đang gây tác động đến nguồn cung cấp thiết bị điện gió, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

Trên cơ sở đề xuất và căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công Thương cho rằng, việc kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá giá FIT cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 là phù hợp, đảm bảo kịp thời huy động phát triển nguồn điện gió để cung cấp điện cho hệ thống.

Trong thời gian gần đây, các nguồn năng lượng tái tạo thế hệ mới như điện gió, điện mặt trời phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều tỉnh do có cơ chế khuyến khích giá FIT của Chính phủ. Tuy nhiên, lưới điện 110 kV tại một số khu vực lại không phát triển kịp thời để giải tỏa công suất cho các nguồn điện này, gây ra nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư.

Theo Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn, tỷ trọng điện từ nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện là quá cao so với mức bình quân thế giới. Ông Sơn cho hay, năm 2019, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo của thế giới là 26%, trong khi Việt Nam chúng ta nếu riêng về nguồn cũng đã trên 30%. Trong đó có điện gió và điện mặt trời, hai loại năng lượng này trong năm 2019 tỷ trọng bình quân thế giới là hơn 8%, hiện nay Việt Nam đã là trên 12%.

TH