Hành trình trở thành người giàu thứ 3 trong lịch sử thế giới và quan điểm sống khác người của “Vua thép” Andrew Carnegie

17:24 08/02/2022

Từ một người nhập cư Scotland nghèo khó, Andrew Carnegie đã vươn tới đỉnh cao và trở thành “cha đẻ” của ngành sản xuất thép. Đồng thời ông cũng được ngưỡng mộ bởi tấm lòng bác ái khi dành phần lớn tài sản của mình cho việc từ thiện.

Chân dung

Chân dung "vua thép" Mỹ Andrew Carnegie.

Andrew Carnegie sinh ngày 25/11/1835 tại Dunfermline (Scotland) trong một gia đình nghèo khó. Cha ông là một thợ dệt thủ công, một nghề thương nghiệp gần như bị loại bỏ bởi công nghiệp hóa. Khi công việc kinh doanh của cha mình thất bại, Carnegie và gia đình phải đối mặt với nạn đói. Mẹ của Andrew Carnegie đã làm việc chăm chỉ để chu cấp cho gia đình. Bà đã vay tiền và để gia đình có một khởi đầu mới tại Mỹ.

Vì gia cảnh khó khăn nên Andrew Carnegie không được học đến nơi đến chốn. Ông chỉ ngồi trên ghế nhà trường được bốn năm, và bắt đầu kiếm tiền từ khi còn rất nhỏ. Ở tuổi niên thiếu, Carnegie có công việc đầu tiên tại một nhà máy bông gần Pittsburgh. Ông đã dành sáu ngày một tuần tại nhà máy, thường xuyên làm việc 12 giờ một ngày, với mức lương hàng tuần là 1,20 đô la. Mặc dù điều kiện khắc nghiệt, Carnegie đã tìm thấy một mục tiêu rõ ràng. Trong cuốn tự truyện của mình, ông nhớ lại: "Tôi đã kiếm được hàng triệu đô la kể từ đó, nhưng không ai trong số hàng triệu người đó mang lại niềm hạnh phúc như thu nhập trong tuần đầu tiên của tôi. Tôi bấy giờ là một trụ cột của gia đình".

Một nhà sản xuất địa phương đã quan sát đạo đức làm việc của Carnegie và thuê ông chạy một động cơ hơi nước. Công việc này đã tăng lương lên 2 đô la mỗi tuần nhưng khiến ông vô cùng kiệt sức. Khoảng một năm sau, một người quản lý văn phòng điện báo địa phương đang tìm kiếm một người đưa tin mới. Carnegie được biết đến như một thanh niên đáng tin cậy và siêng năng. Với giá 2,50 đô la một tuần, Carnegie sẽ phải dành cả ngày để chạy đua quanh thành phố. Để làm tốt công việc mới này, ông đã ghi nhớ các đường phố ở Pittsburgh và địa điểm của các doanh nghiệp quan trọng.

Trong khi phải kiếm tiền, Andrew Carnegie vẫn luôn dành thời gian cho việc tự học, cải thiện các kỹ năng toán học và nắm bắt cơ hội. Tổng Giám đốc của đường sắt, Thomas A. Scott, đã chú ý đến chàng trai trẻ đầy triển vọng và đề nghị Carnegie trở thành thư ký riêng của ông với giá 4 đô la một tuần. Scott đã dạy Carnegie về các khoản đầu tư và đưa ông đến một loạt các doanh nghiệp mới.

Khi nội chiến nổ ra, Scott được chỉ định quản lý tuyến đường sắt ở phía Bắc, ông đã đưa Carnegie đi theo như một trợ thủ đắc lực và cánh tay phải của mình. Trong vai trò này, Carnegie nhận thấy rằng, đất nước cần một cuộc đại tu cơ sở hạ tầng khổng lồ. Ông chắc chắn rằng, thép sẽ là vật liệu xây dựng của Mỹ trong tương lai. Ông rót thu nhập đầu tư tích lũy của mình vào việc mở một nhà máy thép. 

Quan điểm sống "Người chết đi mà vẫn giàu là chết nhục nhã" của Andrew Carnegie

Khởi nghiệp từ bàn tay trắng, Carnegie luôn dặn mình không được sa ngã vì đồng tiền. Andrew Carnegie sống rất giản dị. Ông rất xem trọng và luôn cổ vũ việc học và việc đọc. Tháng 12/1868, ở tuổi 33 với thu nhập 50.000 USD mỗi năm, ông viết thư tự nhắc nhở: "Đàn ông phải tôn sùng thứ gì đó, nhưng tôn sùng sự giàu có là một trong những điều tồi tệ nhất".

Năm 1889, Công ty Carnegie Steel Corporation của Carnegie là công ty thép lớn nhất thế giới. Năm 1901, Carnegie bán lại công ty với giá 480 triệu USD, tương đương 2,1% GDP nước Mỹ lúc đó. Nếu tính theo GDP nước Mỹ năm 2014, số tiền này lên tới 372 tỷ USD.

Ngoài khả năng lãnh đạo và cách đối nhân xử thế, Andrew Carnegie còn là một người bác ái và hảo tâm
Ngoài khả năng lãnh đạo và cách đối nhân xử thế, Andrew Carnegie còn là một người bác ái và hảo tâm.

Từ 1901 cho tới năm 1919, Carnegie đã cho đi phát hầu hết tài sản của ông cho xã hội, đặc biệt là cho giáo dục như việc in và phân phối sách cho người nghèo, xây rất nhiều thư viện, bảo tàng, và trường đại học (một trong số đó là trường Carnegie Mellon.)

Trong cuốn sách The Gospel of Wealth (Phúc âm của sự giàu có), Carnegie viết rằng, những người giàu có không nên giữ lại tài sản của mình khi qua đời. "Những người để lại tài sản của mình theo cách này có thể coi lại không để lại chút di sản nào. Đáng lẽ, họ nên đem theo số tài sản họ có xuống mồ".

Thay vào đó, nghĩa vụ một triệu phú nên làm là hãy phân chia hết tài sản họ có trong cuộc đời. "Một người giàu có chết đi mà vẫn sở hữu số của cải anh ta có trong suốt cuộc đời, sẽ qua đời một cách vô danh. Bất kể mục đích anh ta giữ lại số tài sản đó là gì".

Ngày 11/8/1919, Andrew Carnegie trút hơi thở cuối cùng. Theo nguyện vọng của ông, toàn bộ số tiền 30 triệu USD được quyên góp cho các quỹ, tổ chức từ thiện. Carnegie có một con gái. Ông để lại cho cô một khoản tiền nhỏ chỉ đủ để sống thoải mái cùng một căn nhà. Về sau, phí bảo trì căn nhà quá tốn kém, người con gái đã bán nhà đi.