Hãng xe điện Trung Quốc đứng thứ hai thế giới muốn mở 2 nhà máy ở châu Âu

11:03 12/12/2022

BYD là một trong những công ty sản xuất xe điện đầu tiên của Trung Quốc đã làm được kì tích khi đang đánh bại Tesla ngay trên sân nhà, nhưng liệu họ có thể lặp lại thành công này ở thị trường nước ngoài không thì chưa ai dám chắc.

BYD đứng đầu trong số các công ty Trung Quốc đang hy vọng sử dụng quá trình chuyển đổi sang xe điện để tự nâng mình lên tầm quan trọng toàn cầu. Xe điện BYD hiện mạnh nhất trên thị trường Trung Quốc, nơi hãng là nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc tính theo sản lượng. Trên thị trường thế giới BYD đứng thứ nhì về doanh số bán xe điện, chỉ sau Tesla. 

Ảnh minh họa

Được thành lập bởi cựu Giáo sư Đại học Wang Chuanfu vào giữa những năm 1990, khởi đầu là một nhà sản xuất pin sạc trước khi mở rộng sang ngành công nghiệp xe hơi vào đầu những năm 2000.

Giống như các nhà sản xuất khác trong khu vực, bao gồm cả Hyundai của Hàn Quốc, tập đoàn này ban đầu phát triển hoạt động kinh doanh của mình bằng cách “thiết kế ngược” ô tô từ các thương hiệu đã có tên tuổi, trước khi phát triển các mẫu xe của riêng mình.

Khoảng một nửa số xe mà BYD đang bán là xe hybrid mà Trung Quốc coi là “xe năng lượng mới” cùng với các mẫu xe chạy bằng pin và hydro. Các loại hybrid khác, chẳng hạn như kiểu “hybrid hoàn toàn” của Toyota Prius, không được phân loại ở Trung Quốc là NEV vì chúng không thể di chuyển quãng đường dài chỉ bằng năng lượng pin.

Trong khi Musk chê bai BYD là cung cấp các sản phẩm kém hấp dẫn và công nghệ yếu kém, giá trị của nó đã được Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett mua lại khoảng 20% công ty vào năm 2008. Và Musk có lẽ không còn cười nhạo BYD nữa. Trên thực tế, các phương tiện của Tesla ở châu Âu hiện dùng pin của BYD và BYD đã trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu thực sự duy nhất của Tesla ở thời điểm hiện tại.

Người sáng lập kiêm Chủ tịch BYD Wang Chuanfu tuyên bố vào tháng 10 rằng, công ty có 700.000 đơn đặt hàng tồn đọng và chu kỳ giao xe mới hiện là 4-5 tháng. Công ty đang cố gắng mở rộng năng lực sản xuất. BYD có cơ sở sản xuất chính ở Thâm Quyến, Tây An... Hiện công ty này đang xây dựng thêm một số cơ sở khác.

Năm 2022, năng lực sản xuất dự kiến của BYD là khoảng 3,05 triệu xe, 4,7 triệu xe vào năm 2023 và 6,2 triệu xe vào năm 2024. Năm 2021, BYD đầu tư 37,34 tỷ Nhân dân tệ (5,16 tỷ USD) vào việc mở rộng sản xuất và thêm 36,13 tỷ (5,00 USD) tỷ) trong nửa đầu năm 2022.

Với kết quả hiện tại, BYD chắc chắn là một trong hai thế lực lớn trong ngành xe điện hàng đầu thế giới, cùng với Tesla.

BYD muốn mở thêm 2 cơ sở lắp ráp ở châu Âu với hy vọng thâm nhập vào phân khúc xe điện đang là xu thế thời đại.

Động thái mở nhà máy ở châu Âu là một phần trong chiến lược rộng lớn của BYD nhằm trở thành công ty dẫn đầu toàn cầu trong ngành công nghiệp xe điện.

Theo Bloomberg, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đang tìm cách mở 2 nhà máy ở châu Âu, sau khi ra mắt loạt xe điện mới tại châu lục này trong tháng 1/2023. Công ty đang quan tâm đến các địa điểm ở cả phía Đông và phía Tây của lục địa già, có thể sẽ ưu tiên những quốc gia phát triển hơn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha.

BYD muốn tiến vào châu Âu với một dòng sản phẩm mạnh như thương hiệu BYD Tang, một chiếc SUV điện 7 chỗ có giá từ 72.000 euro và BYD Atto 3, một chiếc crossover điện có giá khởi điểm dưới 40.000 euro.

Mẫu ô tô điện BYD Atto 3.
Mẫu ô tô điện BYD Atto 3..

Việc mở các nhà máy ở châu Âu sẽ giúp BYD không chỉ bán xe tại chỗ mà còn tránh được mức thuế cao mà Liên minh châu Âu áp đặt đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, giống như Hoa Kỳ muốn hạn chế xe hơi nhập khẩu từ bên ngoài nước này.

Sản xuất tại chỗ sẽ làm cho xe BYD có giá cạnh tranh hơn, giúp công ty sớm giành được thị phần béo bở nhanh hơn các hãng xe bản địa.

Hiện tại BYD đã có nhà máy ở một số quốc gia, bao gồm một ở Canada và ba nhà máy khác ở Brazil.

BYD đang định vị chính mình để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện trên khắp lục địa già, bắt đầu với các thị trường xe điện lớn nhất là Đức, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển và Pháp trước khi mở rộng hơn nữa.

Theo Fitch Solutions, các hãng sản xuất xe điện của Trung Quốc có thể chiếm tới 18% thị phần ở châu Âu trong 3 năm tới. Dự đoán này chủ yếu dựa trên các sản phẩm cạnh tranh và việc các đối thủ không có khả năng cung cấp xe trong bối cảnh thiếu hụt tài nguyên để sản xuất pin.

South China Morning Post dẫn lời về dự đoán từ các đơn vị nghiên cứu tài chính rằng cứ 6 ô tô điện được bán ở châu Âu vào năm 2025 thì có một xe do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất.

 D.A (Tổng hợp)