Hàng hóa dịch vụ tiêu dùng "nóng", lạm phát tăng cao

20:54 30/05/2021

Do giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt cũng tăng theo nhu cầu tiêu dùng.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo tổng quan thị trường giá cả tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Nguyên nhân lạm phát tăng 2,9%, theo Tổng cục Thống kê, do giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng; giá điện, nước sinh hoạt cũng tăng theo nhu cầu tiêu dùng. Riêng trong tháng 5, lạm phát tăng 0,16% so với tháng trước.

Trong tháng 5, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá, 3 nhóm giảm giá so với tháng 4 năm nay. Trong đó nhóm giao thông tăng 0,76% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu. 

Hàng hóa dịch vụ tiêu dùng
Hàng hóa dịch vụ tiêu dùng "nóng", lạm phát tăng cao.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% so với tháng trước do giá nguyên liệu tăng cao trên thị trường thế giới và nhu cầu xây dựng trong nước tăng cao. Cụ thể giá sản xuất sản phẩm gang, sắt, thép tháng 5 tăng 4,83% so với tháng trước.

Ba nhóm hàng hóa giảm giá là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,23%, nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15%, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép cũng giảm 0,01% so với tháng trước.

Cụ thể, giá gạo trong nước giảm do nguồn cung dồi dào tại các tỉnh phía Nam, bên cạnh đó giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ tiếp tục giảm cũng làm giá gạo trong nước giảm theo.

Giá thịt lợn giảm 1,61%, thịt gia cầm giảm 0,1% so với tháng trước. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng tăng cao, có thể ảnh hưởng mạnh hơn tới giá thịt gia súc, gia cầm trong thời gian tới.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại như đồ uống, thuốc lá, nhà ở và vật liệu xây dựng, thiết bị đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, giao thông, giá vàng… trong tháng 5 đều tăng so với tháng 4. Đặc biệt, so với cùng kỳ năm trước, nhóm giao thông tăng cao nhất 21,24%, ảnh hưởng lớn tới việc tăng chỉ số lạm phát tháng 5.

Thời điểm này tỷ giá USD/VND suy giảm, đồng USD trên thị trường thế giới giảm do giới đầu tư lo ngại về lạm phát của Mỹ gia tăng. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Lãi suất VND sau các đợt điều chỉnh trong năm 2020 đã chững lại, thậm chí có tăng lên cục bộ ở biểu huy động của một số ngân hàng thương mại; lãi suất VND chênh cao hơn nhiều so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng...

Theo giới phân tích, chính tỷ giá USD /VND suy giảm giúp giảm thiểu tác động đến lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng, giá xăng dầu, giá điện, nước sinh hoạt tăng đang khiến lạm phát tăng lên.

Linh An