Thứ bảy 21/09/2024 10:25
Hotline: 024.355.63.010
Góc nhìn Chuyên gia

Giảm thuế mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng

15/08/2023 17:07
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã tác dụng vào cả 2 đối tượng, vừa tác động đến các hộ kinh doanh, vừa tác động đến người tiêu dùng.
aa
Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam
Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam.

Thủ tướng hiện đã có nhiều chính sách nhanh, quyết liệt để vực dậy nền kinh tế, để ứng biến với các khó khăn, cụ thể phải kể đến việc thống nhất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 đối với phần lớn nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Theo bà, việc này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Thực hiện Nghị quyết 101 Quốc hội, Chính phủ đã có Nghị định 44 hướng dẫn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng 2% đối với hầu hết các hàng hóa dịch vụ và việc giảm thuế giá trị gia tăng có ý nghĩa quan trọng. Trong tất cả các gói giải pháp về thuế thì có gia hạn nộp thuế, giảm lệ phí, giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn tiền thuê đất. Trong đó, đối với việc gia hạn, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ chiếm dụng tiền thuế đó thay vì phải nộp ngân sách, coi như họ không phải vay ngân hàng và sau đó đến cuối năm họ mới phải nộp lại vào ngân sách nhà nước.

Nhưng việc giảm thuế thì lại khác, thuế giá trị gia tăng được cấu thành trong giá bán sản phẩm hàng hóa, hiện nay giá bán sản phẩm hàng hóa chịu thuế là 10% nhưng khi giảm 2% thì giá bán giảm đi tương ứng là 2%, điều này có lợi cho cả các hộ cá nhân kinh doanh cũng như cả người tiêu dùng. Các hộ cá nhân kinh doanh sẽ được giảm thuế, giảm giá bán, người tiêu dùng cùng một số tiền như thế nhưng sẽ được mua hàng hóa dịch vụ rẻ hơn. Như vậy cùng một lúc, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã tác dụng vào cả 2 đối tượng, vừa tác động đến các hộ kinh doanh, vừa tác động đến người tiêu dùng. Qua đó, một bên giảm được giá thành chi phí, một bên tiết kiệm được chi tiêu tiêu dùng, tăng khả năng tích lũy. Từ đó, người tiêu dùng cùng góp sức doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họaGiảm thuế Giá trị gia tăng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TL
Giảm thuế Giá trị gia tăng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo bà, việc giảm thuế như vậy sẽ có tác động như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đã gặp phải nhiều khó khăn hơn năm 2022. Chúng ta đều nghĩ bước sang năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Thế nhưng thực tế là những tác động từ cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine và tình hình quốc tế có biến động đã khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong những tháng đầu năm.

Trước những khó khăn đó, chính sách giảm thuế chính là cú huých để doanh nghiệp có thể phát triển. Trong 6 tháng đầu năm, đã có gần 80.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ. Và rõ ràng, các doanh nghiệp mới này, cùng với những giải pháp khác mà họ được xử lý, ví dụ lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước thì đã được giảm xuống 50% và giảm đến hàng chục các loại phí và lệ phí khác (mức giảm từ 10-50%), tất cả những tác động đó giúp doanh nghiệp giảm giá thành, giảm chi phí.

Tất cả những điều kiện đó cũng đã giúp doanh nghiệp giãn những khó khăn ra để tập trung vào công tác phục hồi sản xuất kinh doanh. Điều này được thể hiện trực tiếp qua tình hình thu ngân sách 7 tháng đầu năm nay, dù có thấp hơn so với cùng kỳ một chút nhưng rõ ràng so với dự toán cũng đã đạt những kết quả rất tổt.

Vậy thì khi những chính sách ưu đãi về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp đã có rồi, từ góc độ của mình, bà có đề xuất gì đối với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong việc đưa ra những giải pháp để những đối tượng thụ hưởng được hưởng những hỗ trợ đó nhanh, hiệu quả và khả thi nhất?

Bà Nguyễn Thị Cúc: Khi Quốc hội, Chính phủ đưa ra những giải pháp giãn thuế, gia hạn thuế, giảm thuế thì điều này chứng tỏ chính phủ đã nhường lại những thuận lợi của mình cho cộng đồng doanh nghiệp. Thay vì Bộ Tài chính sẽ thu tiền thuế về thì đã nhường lại cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền đó một cách hiệu quả, không phải vay ngân hàng và đây là cách xử lý để giúp doanh nghiệp phát triển.

Để những chính sách đó thực thi đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thì theo tôi phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để làm cho tất cả những gói giải pháp đó thực hiện một cách dễ dàng nhất, thuận lợi nhất. Ngoài việc các thủ tục về hoàn thuế hoặc khấu trừ phải rõ ràng minh bạch thì bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế cũng phải cần chú trọng.

Ngoài ra, theo tôi, cũng cần phải xử lý các đơn vị vi phạm để đảm bảo những doanh nghiệp, những hộ cá nhân kinh doanh hiểu được rằng, nếu thực hiện chính sách tốt thì sẽ được hưởng lợi và nếu những đối tượng nộp thuế cố tình gian lận, thực hiện hóa đơn chứng từ giả thì sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ thì cũng cần phải xử lý nghiêm minh, thực hiện kiểm tra thanh tra, thậm chí đối với những đơn vị vi phạm nghiêm trọng, cố tình vi phạm thì phải chuyển sang cơ quan điều tra. Điều này đảm bảo mọi người phải hiểu rằng cần tuân thủ pháp luật, tuân thủ được những ưu đãi của Quốc hội và Chính phủ, không lợi dụng chính sách thông thoáng trong thành lập doanh nghiệp, chính sách ưu đãi từ thuế để thành lập những doanh nghiệp ma hay kinh doanh hóa đơn chứng từ không hợp pháp rồi bỏ trốn. Từ đó, doanh nghiệp có thể tự cân nhắc, liệu những hành vi như thế thì sẽ có những hậu quả như thế nào, và ngược lại nếu doanh nghiệp thực hiệu đúng pháp luật, tận dụng những ưu đãi về thuế mà Quốc hội và Chính phủ đưa ra sẽ giúp gì họ trong sản xuất kinh doanh.

Theo tôi, về phía cơ quan quản lý thuế, những cơ quan liên quan khác cũng phải tạo thuận lợi nhất, cố gắng làm thế nào để các chính sách thuế, các gói giải pháp hỗ trợ của Quốc hội và Chính phủ phải thực sự đi vào cuộc sống, không bị cản trở, còn người nộp thuế thì phải lấy tuân thủ pháp luật làm trọng tâm để tập trung sản xuất kinh doanh, tránh rủi ro, từ đó ổn định và phát triển bền vững.

Xin cảm ơn bà về những chia sẻ!

Bảo Bảo (t/h)

Tin bài khác
Sở Giao dịch hàng hóa: Điểm kết nối lợi ích doanh nghiệp - người trồng cà phê

Sở Giao dịch hàng hóa: Điểm kết nối lợi ích doanh nghiệp - người trồng cà phê

Tiếp tục câu chuyện quanh cây cà phê, ông Lương Tuấn Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng hóa Gia Cát Lợi “bật mí” những điều ít được biết đến lâu nay trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người trồng cà phê.
TS. Nguyễn Thanh Nga: Tài Chính Xanh động lực cho đầu tư bền vững

TS. Nguyễn Thanh Nga: Tài Chính Xanh động lực cho đầu tư bền vững

Theo TS. Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, tài chính xanh không chỉ hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình ít carbon mà còn tạo cơ hội đầu tư trong năng lượng tái tạo, giao thông sạch và công trình xanh.
TS. Cấn Văn Lực: Cơ hội cho tài chính xanh đang rộng mở

TS. Cấn Văn Lực: Cơ hội cho tài chính xanh đang rộng mở

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang mở rộng nhờ vào xu hướng toàn cầu và cam kết quốc tế.
iPhone 16 Pro chính thức ra mắt, chuyên gia nói gì?

iPhone 16 Pro chính thức ra mắt, chuyên gia nói gì?

Quý I/2025, sản lượng iPhone 16 có thể tiếp tục giảm mạnh, từ 53-55% so với quý trước, do nhu cầu thay đổi theo mùa và ảnh hưởng của iPhone SE thế hệ thứ 4.
Doanh nghiệp “phập phồng” mừng và lo khi giá cà phê lên cao

Doanh nghiệp “phập phồng” mừng và lo khi giá cà phê lên cao

Giá cà phê hiện chạm ngưỡng 5.000 USD/tấn, mức cao nhất trong 20 năm qua.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son