Giải vốn đầu tư công chậm, sao năm nào cũng bàn?

23:55 28/08/2022

Trong bối cảnh đầu tư công được xác định là động lực tăng trưởng chính, là cú huých cho nền kinh tế bật lên sau đại dịch, việc chậm tiến độ các dự án công trình trọng điểm quốc gia không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước như hệ quả của những năm trước mà còn tác động tiêu cực đến Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hằng năm, tại sao năm nào chúng ta cũng đau đầu về chuyện chậm tiến độ?

Trước thực trạng "có tiền nhưng không tiêu được", Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng "tiền để đấy không tiêu được" là "rất xót ruột và sốt ruột".

TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: "Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hằng năm, tại sao năm nào chúng ta cũng đau đầu về chuyện chậm tiến độ. Các bộ, ngành, địa phương đã làm hết trách nhiệm của mình chưa, đã lăn xả vào công việc để tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn chưa, hay thấy khó khăn thì né tránh, để tình trạng "ngâm" vốn năm nào cũng diễn ra?". 

Ảnh minh họa
Thi công cầu Vĩnh An thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45/ Nguồn ảnh QĐND

Để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 với số vốn gấp hơn, 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 Nghị quyết (trong đó có 2 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 3 công điện, 7 văn bản; tổ chức 1 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công.

6 Tổ công tác vừa được Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (34,47%). Thủ tướng yêu cầu các Tổ công tác đi trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan, địa phương ngay trong những ngày còn lại của tháng 8-2022 để sớm giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, một số bộ, cơ quan trung ương trong 8 tháng đầu năm giải ngân chỉ đạt con số dưới 10%. Cụ thể, Bộ Y tế đạt 4,17%, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam 4,57%, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 5,26%, Thanh tra Chính phủ 6,79%... Còn các cơ quan như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Đại học Quốc gia Hà Nội…, con số giải ngân chỉ dưới 15% kế hoạch.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ lo lắng với tổng số vốn năm 2022 là trên 500.000 tỉ đồng mà tiến độ như hiện nay thì khó về đích.

Lí giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đầu tư công là sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Khi sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục đã được quy định. Đầu tư công bị chi phối rất nhiều bởi các luật: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và hàng loạt quy định khác. Cho nên thủ tục hành chính cho đầu tư công có độ dài.

Ngoài ra, đối với đầu tư công, một trong những khâu quan trọng nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ người dân. Khâu đó phải có thời gian nhất định và phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Quá trình tổ chức đấu thầu cũng cần có thời gian. Trong năm 2022, giá cả biến động rất lớn, nhất là đối với những nguyên vật liệu phục vụ quá trình thi công xây lắp. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định tiến độ giải ngân vốn nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào cách làm của lãnh đạo các địa phương, cũng như vai trò của chủ đầu tư, ban quản lý các dự án.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là ban quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. 

Bộ Chính trị mới đưa ra Kết luận 14 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm. Cùng điều kiện như nhau nhưng nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết và dồn hết thời gian, công sức, trí tuệ để thúc đẩy các dự án thì tiến độ sẽ nhanh hơn. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, vai trò của cấp ủy và người đứng đầu rất quan trọng.

Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đầu tư công.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt là vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

Ảnh minh họa

Năm 2022 và những năm tiếp theo, các kịch bản điều hành được xây dựng trên cơ sở tăng mạnh vốn đầu tư công, làm vốn mồi tạo cú huých đưa nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng cao, gắn với kế hoạch phục hồi và phát triển sau đại dịch. Do đó, nếu giải ngân không đạt kế hoạch sẽ khiến cú huých này giảm lực, ảnh hưởng đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Thanh Hà (t/h)