Giải pháp đưa nông sản Việt tiến sâu vào thị trường Ai Cập

09:27 29/01/2022

Giải quyết bài toán về giá, chất lượng sản phẩm và chú ý các quy định đặc biệt là Halal là giải pháp giúp nông, thuỷ sản Việt Nam giữ vững thị phần tại thị trường Ai Cập.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng- Bí thư thứ nhất, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, từ năm 2010-2020, xuất nhập khẩu của Việt Nam với Ai Cập năm sau luôn cao hơn năm trước. 10 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ai Cập vẫn đạt 466 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong cơ cấu mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Ai Cập, thuỷ sản chiếm đa số với khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, tiếp đến là hạt điều 5%, tiêu 4,2%, cà phê 3,9%...

Phân tích về thị trường nông sản của Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng, cho hay: Quốc gia này chủ yếu nhập khẩu lúa mỳ, ngô, táo, rau đậu khô. Cùng đó là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều. 

Ảnh minh họa.

Cụ thể, mặt hàng chè, nhập khẩu chè của Ai Cập trong 5 năm trở lại đây giảm nhưng vẫn là sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất trong nhóm hàng nông, thuỷ sản với 197 triệu USD, năm 2020. Trong đó chè đen là chủ lực với 98% tỷ trọng, chè xanh 2% tỷ trọng. Nhập khẩu chè từ Việt Nam của Ai Cập những năm gần đây giảm sút rất mạnh, từ 2 triệu USD năm 2016 xuống 0,24 triệu USD năm 2020. Tại Ai Cập, mặt hàng chè có thuế nhập khẩu chỉ 2%, thuế VAT 0%. Thị trường chè của Ai Cập đa dạng về chủng loại, nhu cầu tiêu dùng cao, do vậy có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phục hồi xuất khẩu.

Nhu cầu tiêu dùng cà phê của Ai Cập đang có xu hướng tăng, thay thế cho sản phẩm chè. Việt Nam hiện đang là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 vào Ai Cập với 16% thị phần và chủ yếu là cà phê thô chưa qua rang xay. Theo lý giải của Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập, cà phê thô có thuế nhập khẩu 0%, trong khi cà phê chế biến là 10%. Hơn nữa, doanh nghiệp Ai Cập nhập khẩu cà phê thô về phối trộn theo thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi cà phê Brazil trên thị trường Ai Cập.

Hạt tiêu, trước đây Việt Nam đứng vị trí số về xuất khẩu mặt hàng này sang Ai Cập, tuy nhiên 2 năm gần đây hạt tiêu của Việt Nam bị cạnh tranh quyết liệt bởi hạt tiêu nhập khẩu từ Brazil. Ai Cập chưa sản xuất được hạt tiêu, buộc phải nhập khẩu do đó thuế nhập khẩu mặt hàng này thấp, chỉ 2%, thuế VTA là 0%. Nhà nhập khẩu Ai Cập cũng chủ yếu nhập hạt tiêu thô về chế biến ra sản phẩm riêng.

Tương tự, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Ai Cập rất tốt, năm sau cao hơn năm trước và gần như không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường này.

Hàng năm Ai Cập có nhu cầu 4,3 triệu tấn gạo, tuy nhiên sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 4 triệu tấn và bắt buộc nhập khẩu khoảng 300.000 tấn. Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu được gạo sang Ai Cập, nguyên do bởi giá cao và vận chuyển khó khăn.

Về thuỷ sản, Ai Cập có nhu cầu khá cao về mặt hàng này, kim ngạch nhập khẩu khoảng 700 triệu USD/năm chủ yếu là cá và tôm đông lạnh, động vật thân mềm, phi lê cá. Trong đó, Hà Lan, Nauy, Tây Ban Nha là nhà cung cấp lớn mặt hàng cá đông lạnh cho Ai Cập, tôm được cung cấp chủ yếu từ UAE với 89% thị phần. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu chính mặt hàng phi lê cá sang Ai Cập với 88% thị phần, chủ yếu cá tra, cá basa. Hiện nay, Việt Nam chưa bị cạnh tranh về thị phần mặt hàng này tại Ai Cập. 

Với mặt hàng cá đóng hộp, Thái Lan là nhà cung cấp chính cho Ai Cập . Tuy nhiên, nhiều nhà nhập khẩu của Ai Cập đang tìm kiếm đối tác khác, trong đó có Việt Nam nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào thị trường này.

Đánh giá một cách tổng quan, ông Nguyễn Duy Hưng, cho rằng: Nông thuỷ sản Việt Nam vẫn có tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang thị trường Ai Cập. Tuy nhiên, thách thức chờ đợi doanh nghiệp là không nhỏ. Việt Nam chưa là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do mà Ai Cập là thành viên, do vậy không được hưởng lợi về thuế quan, khó cạnh tranh. Cùng đó là vị trí địa lý xa xôi, tốn chi phí vận chuyển, nhu cầu tiêu dùng khác biệt cũng là trở ngại cho doanh nghiệp.

Để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường Ai Cập, ông Nguyễn Duy Hưng cũng, lưu ý: Liên quan đến quy định dán nhãn hàng hoá, nhãn mác tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Ả Rập; nhãn dịch không thống nhất sẽ bị từ chối; nhãn dịch có thể in hoặc dán trên bao bì mà không thể xoá hoặc thay đổi; sản phẩm không được có nhiều hơn 1 ngày sản xuất hoặc hết hạn.

Với quy định về an toàn thực phẩm, cơ quan an toàn thực phẩm quốc gia của Ai Cập chịu trách nhiệm kiểm tra lấy mẫu tại các cảng đối với các loại sản phẩm là cây và từ cây, thực phẩm và sản phẩm từ động vật. Chất phụ gia thực phẩm phải nằm trong danh sách được phép để đảm bảo tỷ lệ phần trăm các chất tạo màu. “Ai Cập không chấp nhận thành phần không được phép kể cả không bị cấm ở nước ngoài”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập nhấn mạnh. Đồng thời cho biết thêm, màu in trong/ngoài bao bì sản phẩm phải đảm bảo không gây hại cho sức khoẻ. Bộ Y tế Ai Cập đã ban hành danh mục các chất bảo quản được phép sử dụng và tỷ lệ cho phép.

Với quy định về chứng nhận Halal, những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật bắt buộc phải có chứng nhận này. Hiện chưa có tổ chức cấp chứng nhận Halal nào tại Việt Nam được Ai Cập công nhận. Do đó về nguyên tắc, doanh nghiệp Việt Nam muốn có chứng nhận Halal để xuất khẩu sang Ai Cập buộc phải thông qua tổ chức đánh giá của quốc gia này.

Mai Anh