Giá trị chi tiêu trên các nền tảng giao đồ ăn tại Việt Nam tăng 30%

23:08 13/02/2024

Grab và Shopee Food đang thống lĩnh thị trường giao đồ ăn Việt Nam với thị phần lần lượt là 47% và 45%. 8% thị phần còn lại thuộc về BaeMin (đã ngừng hoạt động tại Việt Nam từ cuối năm 2023) và GoJek.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Năm 2023, người Việt đặt đồ ăn trên các ứng dụng Grab, Shopee Food... với tổng giá trị lên tới 1,4 tỷ USD, tương đương 35.000 tỷ đồng, tức khoảng 90 tỷ đồng một ngày.

Thông tin được để cập trong báo cáo về ứng dụng giao đồ ăn tại Đông Nam Á của Momentum Works vừa công bố.

Cũng theo báo cáo của Momentum Works, tổng giá trị chi tiêu (GMV) trên các nền tảng trong năm 2023 tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi đạt 17,1 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoại trừ Việt Nam, hầu hết thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á đều rơi vào cảnh chững lại.

Năm vừa rồi, GMV của Việt Nam bất ngờ tăng 30% bất chấp xu hướng thắt chặt chi phí của các nền tảng. Tuy nhiên, nếu so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines hay Indonesia, quy mô GMV của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

Grab và Shopee Food đang thống lĩnh thị trường giao đồ ăn Việt Nam với thị phần lần lượt là 47% và 45%. 8% thị phần còn lại thuộc về BaeMin (đã ngừng hoạt động tại Việt Nam từ cuối năm 2023) và GoJek.

Sự thành công của Grab không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn lan rộng sang nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia. Trong khi đó, Shopee Food, sau khi mua lại Now, đã thống lĩnh thị trường Việt Nam nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh được với Foodpanda tại các quốc gia khác.

Tính chung cả khu vực Đông Nam Á, Grab dẫn đầu thị trường giao đồ ăn với tổng GMV 9,4 tỷ USD và bỏ xa các đối thủ khác như Foodpanda (2,7 tỷ USD), Gojek (1,8 tỷ USD), Shopee Food (1,5 tỷ USD), Lineman (1,3 tỷ USD)...

Sự bùng nổ của thị trường giao đồ ăn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhà hàng và các nền tảng giao đồ ăn. Tuy nhiên, thị trường này cũng đang đối mặt với một số thách thức như cạnh tranh gay gắt, chi phí cao và vấn đề an toàn thực phẩm.

“Với sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm F&B, tỷ lệ thâm nhập dịch vụ giao đồ ăn thấp và xu hướng sáp nhập đang diễn ra, các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực có rất nhiều dư địa để phát triển. Trong khi tập trung vào năng lực cốt lõi, những công ty dẫn đầu cũng cần để mắt đến những thay đổi tiềm năng của thị trường và những thách thức mới nổi”, Jianggan Li, CEO Momentum Works, nhận định.

Tú Anh (t/h)