Du lịch Đắk Nông: Chuyến hành trình về với thiên nhiên nguyên sơ

10:21 03/07/2024

Nằm ở cửa ngõ phía Nam Tây Nguyên, Đắk Nông không chỉ có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch mà còn nổi bật với các giá trị địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm quốc tế và khu vực.

Từ một nơi hầu như chưa phát triển, sau 20 năm, du lịch Đắk Nông đã có bước tiến vượt bậc với nhiều thay đổi mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng. Hiện nay, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 10 dự án kinh doanh du lịch.

ẢNúi lửa Nâm Ka. Ảnh tư liệu
Núi lửa Nâm Ka. Ảnh tư liệu.

Trong số đó, một số dự án đã đi vào hoạt động và thu hút du khách trong và ngoài nước như: Khu du lịch - di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp; Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên tại xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song; Dự án khu du lịch sinh thái Đắk G'lun tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức.

Vẻ đẹp  thác Đắk G'lun Đắk G'lun tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Ảnh: Lại Quý Vân
Vẻ đẹp thác Đắk G'lun Đắk G'lun tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Ảnh: Lại Quý Vân.

Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí cũng được các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp và xây dựng thêm, từng bước đáp ứng kịp thời nhu cầu của du khách đến tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng, góp phần tạo nên sự khởi sắc cho du lịch Đắk Nông.

Đặc biệt, Đắk Nông đã phát triển 3 tuyến du lịch với 41 điểm di sản với chủ đề “Xứ sở của những âm điệu”, bao gồm các tuyến “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, và “Thanh âm từ Trái đất”. Đắk Nông còn phát triển 4 sản phẩm du lịch chính gồm du lịch gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch dựa vào cộng đồng, và du lịch nghỉ dưỡng.

Khách du lịch đến với  Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. Ảnh: Dương Phong
Khách du lịch đến với Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. Ảnh: Dương Phong.

Không chỉ vậy, Đắk Nông còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi giao thoa và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử đặc sắc của 40 dân tộc cùng chung sống với những bản sử thi truyền đời, các di tích lịch sử, không gian nghệ thuật, văn hóa cồng chiêng và nghề dệt thổ cẩm.

Toàn tỉnh hiện có 306 cơ sở lưu trú với tổng số 3.607 phòng. Trong đó, có 40 khách sạn với 781 phòng; 248 nhà nghỉ, nhà khách với khoảng 2.546 phòng; và 18 cơ sở lưu trú khác với khoảng 280 phòng, lều lưu trú. Tỉnh có 2 cơ sở lưu trú được xếp hạng 3 sao, 4 cơ sở được xếp hạng 2 sao và 15 cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách. Hiện nay, Đắk Nông có 3 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Dịch vụ vận chuyển và ẩm thực cũng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại và ăn uống của du khách.

Cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, điểm vui chơi giải trí tại  Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư xây dựng. Ảnh: Dương Phong
Cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, điểm vui chơi giải trí tại Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư xây dựng. Ảnh: Dương Phong.

Đây là một thành tựu lớn đối với Đắk Nông, khi du lịch đã góp phần làm cho đời sống của người dân không chỉ phong phú hơn về văn hóa và tinh thần mà còn vững mạnh về kinh tế.

Trần Tùng