Dự báo nào cho ngành sản xuất nửa cuối năm?

22:35 11/07/2021

Tình hình dịch bệnh phức tạp, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… khiến cho triển vọng quý III cũng như nửa cuối năm 2021 của ngành sản xuất trở nên bất định.

Ttình hình dịch bệnh chuyển biến phức tạp liên quan đến biến chủng mới trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam trong quý II đã khiến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt được như kỳ vọng. Đánh giá của doanh nghiệp về triển vọng cho quý III, vì thế, cũng trở nên kém lạc quan hơn với chỉ 39,2% cho rằng quý III sẽ có diễn biến tốt hơn.

Trong tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm 2021 từ 4,1% lên 5,6%, trên cơ sở các chương trình tiêm chủng đang được mở rộng và các gói kích thích kinh tế được thông qua tại các khu vực đầu tàu của nền kinh tế. Cũng theo dự báo của WB, đến năm 2022, 90% nền kinh tế phát triển sẽ đạt mức thu nhập bình quân đầu người trước đại dịch. Đây đang là những chỉ báo tích cực cho sự hồi phục của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2021 và năm 2022. 

Dự báo nào cho ngành sản xuất nửa cuối năm?
Dự báo nào cho ngành sản xuất nửa cuối năm?.

Tuy nhiên, các dấu hiệu cho sự hồi phục của hoạt động sản xuất trong nửa cuối năm 2021 nhìn chung vẫn chưa rõ ràng. Một mặt, nền kinh tế toàn cầu đang trong đà hồi phục sau đại dịch được kỳ vọng tạo nên lực đẩy làm nhu cầu hàng hóa tăng trở lại. Ở chiều ngược lại, các vấn đề liên quan đến chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải và các biến động dịch bệnh ngắn hạn lại là lực kéo khiến cho nền kinh tế thế giới vẫn rất dễ bị tổn thương trong ngắn hạn và hoạt động sản xuất có thể không hồi phục như kỳ vọng.

Diễn biến tại Việt Nam cũng đang theo xu hướng chung, theo đó các yếu tố biến động ngắn hạn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, cùng với đó là sự hồi phục tốt của các thị trường xuất khẩu chính, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể sẽ hồi phục trong giai đoạn cuối năm. 

Thực tế Tổng cục Thống kê (TCTK) thông tin, hoạt động sản xuất kinh doanh ngành chế biến, chế tạo giữ xu hướng giảm trong hai quý đầu năm, trong đó quý I đạt 48,2 điểm và quý II đạt 48,7 điểm (trên 50 điểm đồng nghĩa với có sự tăng trưởng so với quý trước). Còn theo số liệu mới công bố của IHS Markit, chỉ số PMI của Việt Nam chỉ đạt 44,1 điểm trong tháng 6/2021, giảm đột ngột so với tháng 5 (53,1 điểm) và ở mức thấp nhất trong 13 tháng qua.

Đi vào chi tiết, số lượng đơn đặt hàng trong quý I và II chỉ giảm nhẹ. Tuy nhiên, tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm đã giảm mạnh, cho thấy nhu cầu tích trữ hàng hóa đầu vào đang giảm và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang không mấy khả quan.

Đi kèm với đó là chi phí sản xuất tăng cao, đến từ việc giá các nguyên liệu đầu vào tăng mạnh do tình trạng khan hiếm. Trong khi đó, giá bán lại có mức tăng thấp hơn do nhu cầu thị trường yếu.

Xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2021 đến từ việc nền kinh tế thế giới vẫn đang trong đà hồi phục chậm, trong khi các đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá nguyên vật liệu tăng cao cũng khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Ngoài ra, yếu tố mùa vụ cũng góp phần làm giảm tốc độ sản xuất khi nhu cầu cho hàng hóa xuất khẩu thường thấp trong nửa đầu năm.

Tại Việt Nam, mặc dù diễn biến dịch bệnh trong cuối tháng 5 và tháng 6 có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất, đưa chỉ số PMI xuống mức thấp nhất trong 13 tháng, nhưng chủ yếu do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp làm gián đoạn quá trình sản xuất, giao hàng.

PV