Doanh nghiệp Lào-Việt chưa tiến tới sự tiệm cận triệt để các cơ hội

23:00 31/08/2022

Ông Nguyễn Duy Trung, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào cho rằng, cả doanh nghiệp hai phía đều chưa tiến tới sự tiệm cận triệt để các cơ hội dành cho mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Giữa tháng 4/2022, hai Bộ Công Thương Lào - Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ 12 tại Vientiane. Qua đó khẳng định hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào-Việt Nam; cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định Thương mại song phương; Hiệp định Thương mại biên giới Lào - Việt Nam và Quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau.

Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch hàng hóa giữa Lào-Việt Nam tăng trưởng khá, đạt hơn 948 triệu USD, tăng 54,14% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Lào với Việt Nam liên tục phát triển. 

Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành hai nước đã xây dựng, áp dụng khuôn khổ ưu đãi về thương mại và đầu tư.

Về cơ bản, doanh nghiệp hai bên tận dụng tốt ưu đãi của các hiệp định. Bằng chứng là trong 7-8 năm vừa qua, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng tích cực và đều cao hơn 10% mỗi năm. Vào năm 2021, con số này thậm chí còn trên 33%. Lào là thị trường trường đầu tư nước ngoài số một của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên tới 5,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Quốc Hưng, ở một số khu vực cụ thể, các doanh nghiệp Việt lại chưa tận dụng hết các ưu đãi.

Ví dụ, Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại các tỉnh biên giới. Các ưu đãi này bao gồm việc đưa hàng hóa về Việt Nam được miễn thuế VAT, miễn nhiều hạn chế và miễn kiểm dịch. Đây là những ưu đãi cực kỳ đặc biệt và chưa từng có. Tuy nhiên, trong 7 năm qua, số doanh nghiệp Việt Nam áp dụng được ưu đãi này chưa nhiều. Một phần do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm vững thông tin về các ưu đãi này. Ở một diễn biến khác, một số doanh nghiệp còn chưa hiểu đúng ưu đãi của Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào, đặc biệt là về sản phẩm đường.

Cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam với ASEAN về đường nhập khẩu từ Lào là không hạn ngạch và hưởng thuế suất ưu đãi 5%. Tuy nhiên, theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, thuế chỉ bằng một nửa với cam kết cùng ASEAN nhưng có điều kiện tùy theo phân loại đường. Nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn cho rằng nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam là được hưởng thuế 2,5%. Nhiều lô hàng đường về tới Hải quan Việt Nam mới nhận ra sai sót, gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, một trong những thách thức khi hàng Việt Nam xuất khẩu sang Lào là chi phí vận chuyển cao do quãng đường vận chuyển dài và điều kiện đường xá chưa tốt. Trong khi đó, Việt Nam còn phải cạnh tranh với hàng hóa các nước khác có ưu thế địa lý gần hơn và chi phí thấp hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc CTCP mía đường Thành Thành Công, Biên Hòa cho biết, các chính sách lớn như ưu đãi thuế quan cơ bản tốt, tuy nhiên thực tế, thủ tục nhập khẩu qua Lào và vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian. 

Vấn đề lớn nữa là con người, lao động. Hiện theo quy định của Nhà nước Lào thì các công ty chỉ được phép sử dụng 10% lao động Việt Nam. Quy định này đưa doanh nghiệp vào thế khó để có thể phát triển nhanh. Doanh nghiệp rất muốn sử dụng người Lào nhưng quá trình tuyển vẫn không đủ.

Ông Nguyễn Thanh Ngữ cho rằng, hiện kim ngạch thương mại từ Việt Nam sang Lào mới đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong các nước có quan hệ thương mại với Lào, còn khiêm tốn so với tiềm lực giữa hai bên.

Ông Nguyễn Duy Trung, Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào cũng cho rằng, cả doanh nghiệp hai phía đều chưa tiến tới sự tiệm cận triệt để các cơ hội dành cho mình. 

"Nếu Việt Nam có con đường nối sang Lào thông thoáng hơn có lẽ sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Lào", ông Nguyễn Duy Trung chia sẻ.

PV