Doanh nghiệp gửi 78 kiến nghị tới Thủ tướng

00:00 12/10/2020

Kể từ sau hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã nhận được 78 kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ từ các doanh nghiệp, hiệp hội và VCCII.

Nhiều ý kiến đánh giá Nghị quyết 35 đáp ứng đúng mong đợi của DN trong tình hình hiện nay. Ảnh: SGGP

   
Theo báo  cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả thực hiện Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã gửi các kiến nghị nêu trên tới các bộ, cơ quan để xử lý theo đúng thẩm quyền, đồng thời chuyển VCCI, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để theo dõi, công khai kết quả xử lý.

Theo tổng hợp từ VCCI, các bộ ngành đã trả lời tích cực và kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp theo hướng tiếp thu và nghiên cứu, bổ sung chính sách trong thời gian tới; trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện việc sửa đổi, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp. Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Bộ LĐTBXH đã có các văn bản trả lời trực tiếp từng kiến nghị của doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 7/2016, đã có 15 bộ ngành trong số 19 bộ ngành được giao nhiệm vụ đã xây dựng và ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ các Bộ chưa ban hành chương trình hành động gồm Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về các nhiệm vụ cụ thể được giao, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, như giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp theo cam kết tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, xem xét cho vay mới để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố tại ĐBSCL và 4 tỉnh miền Trung.

Đáng chú ý, NHNN đã mở kênh cho vay bằng ngoại tệ, qua đó các tổ chức tín dụng tiếp tục được cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước hỗ trợ xuất khẩu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát, đánh giá điều kiện đầu tư, kinh doanh, bảo đảm có căn cứ thực tế, hợp lý và rõ ràng, dễ thực thi.

Bộ Tài chính, Bộ NNPTNT, Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, NHNN và một số cơ quan khác đã có báo cáo nhanh về thực hiện Nghị quyết, dự kiến nhiều chính sách đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo.

Mới có 4 tỉnh lập đường dây nóng

Tính đến hết ngày 29/7, đã có 31 tỉnh, thành phố ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35, nêu rõ các nhiệm vụ thực hiện và tiến độ hoàn thành.

Đã có 11 UBND tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, gồm Lạng Sơn, Đà Nẵng, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Trị, Hải Dương.

Đã có 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lâm Đồng ký cam kết với VCCI về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra 11 tỉnh đã có đề nghị ký cam kết.

Theo báo cáo nhận được, đã có 4 tỉnh gồm Bình Thuận, Bến Tre, Thái Bình, Lạng Sơn thành lập và công bố đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã trao đổi với Văn phòng Chính phủ, theo đó thống nhất Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI tích cực triển khai các đoàn công tác để kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết tại các bộ ngành, địa phương.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ cũng kiến nghị các địa phương cần nghiêm túc và tích cực thực hiện Nghị quyết. Công tác đối thoại với doanh nghiệp, lập đường dây nóng phải thực chất, tránh hình thức, bảo đảm tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại buổi đối thoại hoặc nêu rõ vấn đề chính sách, pháp luật cụ thể để kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành xem xét giải quyết.

Riêng NHNN kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu, có hướng dẫn về quy định “nghiêm cấm quy định thủ tục hành chính tại Thông tư” trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo NHNN, quy định này dẫn đến việc các Bộ ngành thiếu chủ động trong sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp.

Chinhphu.vn