Đêm huyền thoại Hòn Trống Mái: Nghe “Đá hát khúc tình ca”

00:00 12/10/2020

Tối 6/4/2019, Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái đã diễn ra tại khuôn viên Hòn Trống Mái, núi Trường Lệ ( phường Trường Sơn, Tp Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Đêm khai mạc là đỉnh điểm của hoạt động Lễ hội đã diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/4, với mục đích tôn vinh tình yêu, là điểm đến của các đôi lứa yêu nhau ở mọi lứa tuổi, các gia đình để trải nghiệm và hồi ức về tình yêu, hòa nhập với “Huyền thoại tình yêu Hòn Trống Mái”. Các ông Trần Quang Đảng, UV Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo thành phố Sầm Sơn cùng đông đảo nhân dân, du khách các nơi đã hào hứng dự hội.

 Một tiết mục nghệ thuật trong đêm khai mạc Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái

Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu, danh thắng Hòn Trống Mái trở nên lung linh, kỳ ảo, làm nền cho các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên của Học viện Múa VN, Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hóa) thăng hoa trong Chương trình ca múa nhạc “Đá hát khúc tình ca” say đắm lòng người với những tiết mục đặc sắc: Chuyện tình bên thành phố biển, Sầm Sơn biển quê Thanh v.v... .

Trước giờ khai mạc, nhìn dòng người mỗi lúc một đông, đổ về các ngả đường trên núi Trường Lệ để đến với Hòn Trống Mái chờ thưởng thức Lễ hội, ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch Tp Sầm Sơn chia sẻ với PV: Bước đầu chứng tỏ tiêu chí của Lễ hội là tôn vinh tình yêu, là điểm đến của các đôi lứa yêu nhau ở mọi lứa tuổi, các gia đình để trải nghiệm và hồi ức về tình yêu, hòa nhập với “Huyền thoại Tình yêu Hòn Trống Mái”, khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của Hòn Trống Mái.

Du khách chụp ảnh và tham quan Hòn Trống Mái

Tin chắc rằng, nhiều người sẽ đồng cảm với ý kiến ông Thắng vừa chia sẻ. Bởi trong tâm thức của người Sầm Sơn và du khách, Hòn Trống Mái gắn với truyền thuyết về đôi vợ chồng dù sắp chết đói trên núi Trường Lệ sau cơn đại hồng thủy nhưng họ vẫn từ chối lời mời của các nàng tiên nữ về cuộc sống thần tiên, sung túc trên trời để cùng nhau gắn bó với cuộc sống lam lũ, bất trắc của quê hương. Đôi vợ chồng đã phải trả giá bằng việc hóa thành hai hòn đá mãi mãi bên nhau trên núi Trường Lệ. Danh thắng này từ lâu không những đã thu hút đông đảo du khách mà còn đã đi vào rất nhiều tác phẩm thi ca, nhạc, họa...là nguồn cảm hứng của biết bao tao nhân, mặc khách.

Một hình ảnh trong Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái

Một lần dừng chân thưởng ngoạn Hòn Trống Mái, ngẫm về truyền thuyết Hòn Trống Mái, du khách (nhà PBVH Nguyễn Mạnh Hùng - ĐH Hồng Đức) đã phải thốt lên: “Huyền thoại bao phủ lên thiên nhiên hay thiên nhiên lan tỏa thành huyền thoại? Chắc chắn cả hai đều có cái cốt lõi của thế sự chua xót - ân tình”. Kỳ vọng của những người tổ chức Lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái Sầm Sơn là cùng với sự hoàn thiện, nâng cao ở những kỳ lễ hội các năm sau - sự độc đáo của nó sẽ đi vào lòng người, được “dân gian hóa”, được người dân và du khách, nhất là giới trẻ trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế tìm về hội tụ, tương tự như Ngày lễ tình nhân (Va-len-tin) của các nước Phương Tây. Để Văn hóa và Du lịch cùng song hành trong một hoạt động và cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau phát triển. Tạo tiền đề hạn chế, hóa giải tối đa sự xung đột giữa giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, trong đó có bảo vệ các di tích, danh thắng, các giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộc với sức ép phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch.

Làng chài Sầm Sơn gắn với câu chuyện tình sâu sắc và lãng mạn ấy nay đã vươn mình thành đô thị biển Sầm Sơn năng động và sầm uất nhưng câu chuyện tình về cặp vợ chồng nghèo hóa đá vẫn còn trong tâm thức của người dân nơi  này trở thành huyền thoại về tình yêu thủy chung son sắt. Lễ hội Tình yêu – Hòn Trống Mái Sầm Sơn ra đời mang sứ mệnh tôn vinh vẻ đẹp tình yêu cao cả của tiền nhân thuở trước và khát vọng vươn mình của thành phố trẻ hôm nay.

Minh Hiền