Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội: Quản lý nhiều "đất vàng" nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước

08:30 03/06/2022

Đáng chú ý, tại 2 cơ sở nhà, đất tại số 88 Lò Đúc và số 437 Bạch Mai, Công ty được UBND Thành phố cho thuê đất để xây dựng công trình, sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hóa cho thấy đều sử dụng không đúng mục đích và chưa được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Ngày 2/6, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên làm trưởng đoàn đã giám sát chuyên đề “việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Thành phố” tại Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội.

Quản lý hàng loạt "đất vàng" trong lòng Thành phố

Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội có trụ sở tại 45 Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công ty được cấp mã số thuế vào tháng 5/1998, tên giao dịch là HANOI MOVIES COMPANY LIMITED; Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa (chiếu phim).

Rạp Tháng 8 - 45 Hàng Bài

Rạp Tháng 8 có địa chỉ tại 45 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Từ năm 2016 đến 2018, đơn vị được giao quản lý 11 địa điểm cơ sở nhà, đất. Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Quyết định số 651/QĐ-UBND của UBND Thành phố về việc phê duyệt phương án sử dụng các cơ sở nhà, đất của công ty, UBND Thành phố đã thu hồi 6 địa điểm.

Trước khi thực hiện cổ phần hóa, các địa điểm nhà, đất của Công ty chủ sở hữu Rạp Tháng Tám bị thu hồi và bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường bán đấu giá gồm có: số 23 phố Thái Thịnh, quận Đống Đa; số 17 - 19 phố Đặng Dung, quận Ba Đình và 3 địa điểm tại huyện Đông Anh.

Hiện tại, công ty quản lý 5 địa điểm gồm: Trụ sở công ty, rạp Tháng 8 tại số 45 phố Hàng Bài (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm); cơ sở tại số 57 Cửa Nam (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm); cơ sở nhà, đất tại số 437 phố Bạch Mai (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng); cơ sở tại số 211 phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) và cơ sở tại số 88 phố Lò Đúc (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng).

Đây đều là những “khu đất vàng” nằm ở vị trí trung tâm TP. Trong đó, có 2 cơ sở nhà, đất là thuê của Nhà nước, 3 địa điểm được Thành phố giao đất. UBND Thành phố giao Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo khả thi và hiệu quả. Sở Tài chính có nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng UBND TP và Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội thống nhất phương án trả nợ, phương án sản xuất kinh doanh và báo cáo tại cuộc họp Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP. Văn phòng UBND TP có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, báo cáo UBND TP việc thực hiện kết luận, chỉ đạo trên.

Hồi cuối năm 2016, UBND TP. Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2016–2020. Thành phố đặt kế hoạch cổ phần hóa 16 doanh nghiệp và thoái vốn đầu tư tại 96 doanh nghiệp.

Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội chính là doanh nghiệp quản lý hoạt động của hơn 10 cụm rạp ở Hà Nội. Sở hữu nhà, đất toàn ở những vị trí đắc địa nội đô nhưng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đến cuối năm 2015 chỉ khoảng hơn 26 tỷ đồng.

Ngày 26/6/2014, UBND Thành phố đã ban hành quyết định số 3432/QĐ-UBND về việc điều chuyển tài sản nhà nước từ Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội sang UBND huyện Sóc Sơn tiếp nhận quản lý, sử dụng.

Cụ thể, điều chuyển nguyên trạng tài sản nhà nước từ Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội sang UBND huyện Sóc Sơn tiếp nhận quản lý và sử dụng: Tài sản là nhà gồm 3 ngôi nhà tổng diện tích khoảng 1.004m2 trên khuôn viên đất diện tích khoảng 2.836m2 (Rạp chiếu phim diện tích khoảng 685m2, Nhà làm việc diện tích khoảng 175m2, Nhà kho diện tích khoảng 144m2), năm xây dựng nhà 1970, giá trị còn lại là 0 đồng.

Tài sản khác gồm một bộ máy chiếu phim nhựa 35mm, nguyên giá 122.153.254 đồng, giá trị còn lại 0 đồng; một xe ô tô U wat, năm đưa vào sử dụng 2000, nguyên giá 33.020.000 đồng, giá trị còn lại 0 đồng.

Trong quá trình hoạt động, Công ty thực hiện kê khai đầy đủ về hiện trạng sử dụng các địa điểm nhà, đất tại từng thời điểm theo các quy định của Nhà nước.

Thực hiện giám sát, phát hiện hàng loạt tồn tại

Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của Thành phố Hà Nội” tại Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch HĐND Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã chỉ ra hàng loạt những tồn tại, vi phạm của công ty này.

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên: Công ty cần đề xuất các giải pháp, nhằm quản lý, sử dụng đúng mục đích nhà, đất của Nhà nước, tránh thất thoát (Ảnh: Việt Tuấn)

Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Việt Tuấn).

Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội Mai Xuân Phương cho biết, Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội được thành lập từ năm 1959, trước đây là quốc doanh chiếu bóng... sau đó là Công ty Điện ảnh Hà Nội trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Đến năm 2008, Thành phố có Quyết định số 2567/QĐ-UBND chuyển Công ty Điện ảnh Hà Nội thuộc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch thành Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội, có trụ sở làm việc chính tại số 45 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Qua thực tế khảo sát và làm việc với lãnh đạo Công ty, Đoàn giám sát nhận định, các tài sản công là nhà, đất công ty được giao quản lý sử dụng nằm ở vị trí mặt đường lớn, phố chính trong các quận, có giá trị kinh tế rất cao, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Hiện nay, tình hình tài chính của Công ty gặp rất nhiều khó khăn, phải nợ tiền thuê nhà, đất hơn 70 tỷ đồng.

Hợp đồng thuê nhà, đất ký giữa Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội và Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà đã hết thời hạn thuê trên 6 năm nay. Tuy nhiên, đơn vị vẫn đang quản lý, khai thác và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Đáng chú ý, tại 2 cơ sở nhà, đất tại số 88 Lò Đúc và số 437 Bạch Mai, Công ty được UBND Thành phố cho thuê đất để xây dựng công trình, sử dụng làm cơ sở chiếu phim và các dịch vụ văn hóa cho thấy đều sử dụng không đúng mục đích và chưa được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Đoàn giám sát cũng cho biết, đối với việc liên doanh, hợp tác, cho thuê và kinh doanh dịch vụ tại các tài sản công là nhà, đất được giao quản lý, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội chưa tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng tài sản công; chưa có căn cứ xác định giá cho thuê đối với các tài sản công được giao quản lý. Đến nay, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội vẫn chưa hoàn thành thực hiện cổ phần hóa và sắp xếp doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Công tác quản lý hồ sơ địa chính tại Công ty chưa chặt chẽ dẫn tới một số diện tích bị chiếm dụng và người dân sinh sống trong các khu đất, trụ sở thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, nhưng hiện nay không có hồ sơ giấy tờ hợp pháp.

Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội cũng thiếu chủ động trong việc phối hợp với các sở, ngành của Thành phố và các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng tài sản công cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Thời “hoàng kim” của điện ảnh vẻ như đã qua đi, một loạt rạp của đơn vị này rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng vì không có khách để cuối cùng phải đóng cửa và chuyển sang cho thuê mặt bằng kinh doanh. Một nguyên nhân khác là hiện nay các rạp có vốn đầu tư nước ngoài như CGV, Lotte Cinema và Platinum Cineplex đang áp đảo rạp nội địa do có cơ sở vật chất hiện đại và quy mô hoạt động lớn. Các rạp chiếu phim của Công ty Điện ảnh Hà Nội khó có cửa cạnh tranh với các công ty trên.

Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện giãn cách vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động chiếu phim phải dừng thời gian dài, khi được hoạt động trở lại thì không có khách đến xem.

Trao đổi với báo giới, ông Mai Xuân Phương cho biết, công ty đang trong tình trạng khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất nhà rạp, trang thiết bị, máy móc đã hỏng, xuống cấp, hết khấu hao từ lâu, không còn đảm bảo về các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng Công ty vẫn phải tận dụng để duy trì hoạt động. Hiện, Công ty không còn vốn để sửa chữa, nâng cấp, từ 5 phòng chiếu xuống chỉ 3 phòng còn hoạt động.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội sớm hoàn thiện báo cáo, làm rõ các vấn đề đã nêu; yêu cầu báo cáo rõ hiện trạng, nguyên nhân tồn tại, trách nhiệm quản lý của đơn vị và trách nhiệm quản lý của các Sở, ngành liên quan.

Công ty TNHH Một thành viên Điện ảnh Hà Nội cần khẩn trương tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định đối với việc sử dụng các tài sản công nêu trên.

Theo Phó Chủ tịch Phạm Quí Tiên, về lâu dài, việc thực hiện chiếu phim là không còn phù hợp với thực tế. Do đó, Công ty cần đề xuất các giải pháp với chính quyền Thành phố, nhằm quản lý sử dụng đúng mục đích nhà, đất của Nhà nước, tránh thất thoát.

Trần Linh