Công thức quản lý tài chính thông minh: Chỉ nhờ 6 chiếc lọ mà hiệu quả bất ngờ

11:41 12/06/2023

Quy tắc quản lý tài chính nhờ 6 chiếc lọ là bộ quy tắc được tác giả giả Harv Eker sáng tạo ra với việc phân chia thu nhập thực tế thành 6 phần. Trong đó, mỗi lọ có 1 mục đích sử dụng riêng được phân chia rõ ràng.

Hiện nay, công thức chia tổng thu nhập thành 6 quỹ khác nhau hay còn gọi là 6 chiếc lọ được coi là công thức quản lý tiền dễ nhất, hiệu quả nhất và đơn giản nhất trên toàn thế giới. Người sáng lập ra công thức này là Harv Eker - tác giả của cuốn sách bán rất chạy Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth). 

Bên cạnh đó, Harv Eker cũng là người sáng lập kiêm Giám đốc công ty Peak Potential Trainning, một trong những công ty đào tạo, nghiên cứu phát triển nhanh và mạnh nhất thế giới với nhiều khóa học như Tư duy triệu phú (Millionaire Mind Intensive), Tư duy đột phá của doanh nhân thành công (Guerilla Business Man), Làm chủ tư duy (Master Your Mind)...

Theo tác giả, bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 chiếc lọ để quản lý tiền bạc, thậm chí với 100 nghìn đồng, bạn vẫn có thể bắt đầu phương pháp này. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ. Điều quan trọng là việc này cần làm ngay để tạo thành thói quen. 

Ảnh minh họa
Công thức quản lý tài chính thông minh của Harv Eker. Ảnh: Internet.

1. Quỹ cho những nhu cầu thiết yếu - 55%

Các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như ăn uống, xăng xe đi lại, sinh hoạt hàng ngày, mua sắm cần thiết, chi trả hóa đơn,... sẽ được chi từ chiếc lọ chứa 55% tổng tiền mà bạn đã phân chia.

Thực tế, có nhiều người đã chi tiêu mang tính cảm xúc, tiêu xài phung phí, thậm chí lên tới 80% tổng thu nhập của mình cho các hoạt động không cần thiết. Vì vậy, việc phân chia thu nhập cho các mục đích khác nhau là rất cần thiết để cân bằng chi tiêu.

Nếu bạn không thể sống với 55% tổng thu nhập của mình thì hoặc là bạn tìm cách gia tăng thu nhập hoặc là bạn cần loại bỏ những khoản chi tiêu không thật sự cần thiết. Ví dụ: thay vì đi taxi, bạn có thể sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện,...; Thay vì ăn hàng với chi phí đắt đỏ, hãy tự nấu ăn ở nhà để tiết kiệm tiền hơn.

2. Quỹ giáo dục - 10%

Đầu tư vào giáo dục là cách tốt nhất để nâng cao giá trị của bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng quan tâm tới danh mục đầu tư này, bởi nhiều người cho rằng, kỹ năng và kiến thức hiện tại đã đủ cho công việc và cuộc sống. Thực tế, học chưa bao giờ là đủ và việc đầu tư cho giáo dục vô cùng cần thiết, dù cho bạn ở độ tuổi nào.

Với chiếc bình chứa 10% thu nhập này, bạn có thể sử dụng nó để tham gia các lớp học, dự hội thảo, mua sách vở... Lượng kiến thức tăng thêm từng ngày giúp bạn phát triển bản thân, tìm kiếm cơ hội mới và mở ra cánh cửa để tăng thu nhập cho bản thân từ lương cố định và các khoản kiếm thêm.

3. Quỹ dành cho nhu cầu hưởng thụ - 10%

Bên cạnh những giây phút học tập và làm việc căng thẳng, mỗi chúng ta cũng cần có giây phút thư giãn và hưởng thụ để nạp lại năng lượng cần thiết, giảm căng thẳng mệt mỏi.

Bạn có thể dùng quỹ này để mua sắm, làm đẹp, ăn những món sang trọng đắt tiền, đến những nơi bạn chưa từng đến, đi spa, đi nghe hòa nhạc,...

Harv Eker khuyến khích bạn nên tiêu hết tiền của quỹ này ngay khi một tháng kết thúc. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được hưởng thụ dịch vụ đắt đỏ hơn hay muốn đi một chuyến du lịch xa hơn, bạn có thể tích lũy nhiều chiếc lọ này trước khi sử dụng chúng.

4. Quỹ tự do tài chính - 10%

Quỹ tự do tài chính là chiếc lọ thứ 4 được Harv Eker nhắc đến. Tự do tài chính là khi bạn muốn có một cuộc sống đầy đủ như mong muốn mà không cần phụ thuộc vào người khác hoặc không cần làm việc.

Số tiền trong quỹ này không phải để tiêu mà để bạn đầu tư để kiếm ra khoản thu nhập thụ động liên tục đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống. Một số gợi ý: đầu tư tài chính, gửi tiết kiệm, góp vốn kinh doanh, đầu tư vàng, đầu tư bất động sản,...

5. Quỹ tiết kiệm dài hạn - 10%

Tổng số tiền trong chiếc lọ Quỹ tiết kiệm dài hạn này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp.

Số tiền 10% trong chiếc lọ này bạn nên chia thành hai phần bằng nhau cho hai mục đích ngay từ đầu. Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (có giá trị tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) thì có thể cất riêng khoản này ra và tập trung cho những mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua ôtô,...

6. Quỹ giúp đỡ người khác - 5%

Chiếc lọ cuối cùng cũng là chiếc lọ được chia ít tiền nhất có tên gọi Quỹ giúp đỡ người khác. .Chỉ với 5% tổng thu nhập, bạn có thể sử dụng số tiền này để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè..., như một cách thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Sống cũng có nghĩa là sẻ chia, bạn cho đi để nhận lại nhiều hơn. 

H.C (t/h)