Công nghiệp ô tô: Vững bước từ nội lực

00:00 12/10/2020

Áp lực trước khả năng mất thị trường nội địa với hơn 96 triệu dân, chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã quyết liệt đầu tư, từng bước phát triển vững chắc trong lĩnh vực hơn 20 năm qua các liên doanh không làm được. Không chỉ nhanh chóng vươn lên chiếm lĩnh thị phần trong nước, những cái tên THACO, TC Motor, VinFast…đang dần vẽ lên bản đồ ngành sản xuất ô tô Việt, thậm chí tính bước vươn ra thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cái “dại” của Thành Công

Còn nhớ chiều muộn của ngày cuối cùng năm 2018, chúng tôi được Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công (TC Motor) Lê Ngọc Đức dành cho 1 tiếng làm việc. Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Thành Công có dại không khi mà đi ngược xu thế chuyển dần sang nhập khẩu nguyên chiếc để hưởng thuế ưu đãi 0% của các liên doanh, thậm chí còn bỏ hoàn toàn mảng nhập khẩu đang ‘ngon ăn’ để chuyển sang lắp ráp sản xuất 100%?”, ông Đức trầm ngâm rất lâu rồi mới nói: “Dại thì không dại. Doanh nghiệp đều tính kỹ rồi mới làm. Nhập khẩu là ăn xổi, sản xuất mới lâu bền, nhất là với một thị trường có tới gần trăm triệu dân, tỉ lệ sở hữu xe ô tô còn đang rất thấp. Nhưng sản xuất cạnh tranh không dễ khi xe nhập khẩu có ưu thế về thuế đến như vậy. Rõ ràng đầu tư sản xuất là nhiều rủi ro, là vất vả… nhưng thị trường trong nước hết sức tiềm năng. Mặt khác, nói có vẻ hơi ‘sáo’ nhưng là thật, chúng tôi là doanh nghiệp trong nước, muốn làm cho đất nước, muốn chung tay góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam”.

Và kết quả của bước tính toán có phần “bỏ dễ, làm khó” của TC Motor đó là năm 2019 tiêu thụ vượt con số mong muốn đề ra 70.000 xe, chiếm gần 25% thị phần xe du lịch, duy trì vị trí số 2 toàn thị trường (vượt xa con số gần 56 nghìn xe của năm 2018)

Có nền tảng tốt là thương hiệu được ưa chuộng trên thị trường ô tô Việt Nam, song thực tế khi chuyển sang sản xuất, TC Motor cũng đã phải có những nỗ lực “dốc sức” để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa (NĐH), giảm giá thành sản xuất…

Để đạt tỷ lệ NĐH của xe du lịch Hyundai lên 50% vào cuối năm 2020, TC Motor đã có 25 doanh nghiệp vệ tinh của Hyundai tại Hàn Quốc đã và đang làm thủ tục đầu tư vào Ninh Bình. Tập đoàn này cũng đã và đang triển khai các dự án như: Điều chỉnh nâng công suất nhà máy xe du lịch từ 40.000 xe/năm lên 80.000 xe/năm; dự án điều chỉnh thiết kế, tăng diện tích đất sử dụng Trung tâm Dịch vụ và Hạ tầng ô tô từ 4ha lên 35ha; đầu tư nhà máy xe du lịch công suất 100.000 xe/năm... Khi các dự án này hoàn thành, công suất của TC Motor sẽ lên tới 180.000 xe du lịch/năm, gấp 4 lần mức hiện nay.

Vững chắc với nền tảng lớn

Không chỉ có trong tay Nhà máy sản xuất ô tô Mazda hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, năm 2019, THACO khánh thành nhà máy sản xuất xe du lịch cao cấp với số vốn đầu tư lên tới 4.500 tỷ đồng tại Chu Lai-Trường Hải (công suất 20.000 xe/năm).

Đây tiếp tục là nhà máy được trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa và áp dụng công nghệ mới nhất. Nhà máy sản xuất đầy đủ các phân khúc xe du lịch Peugeot và tiến tới sẽ sản xuất các thương hiệu ô tô cao cấp khác.

Năm 2019, THACO cũng mở rộng và nâng cấp toàn diện nhà máy THACO KIA theo hướng tự động hóa và quản trị theo hướng số hóa, nâng công suất từ 20.000 xe/năm lên 50.000 xe/năm với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng.

Cũng trong năm nay THACO đã xây dựng nhà máy xe tải mới có công suất 50.000 xe/năm.

Là doanh nghiệp duy nhất có trong tay các nhà máy sản xuất đủ các chủng loại ô tô tại Việt Nam (xe tải, xe bus, xe du lịch mang các thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot), năm 2019, THACO giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường Việt Nam với doanh số gần 75 nghìn xe du lịch và 33 nghìn xe tải, xe buýt.

Đầu tư phát triển các nhà máy linh kiện phụ tùng, THACO hiện đang xuất khẩu linh kiện ô tô, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thị trường xuất khẩu chính gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Philippines, Kazakhstan, Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Thái Lan, Indonesia, Australia, Đức. Giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng của THACO 2019 ước đạt 25 triệu USD.

Nhà máy sản xuất ô tô VinFast nơi sản xuất những chiếc ô tô mang thương hiệu Việt đầu tiên. Nguồn: Internet

Mãnh liệt một thương hiệu Việt

Năm 2019, VinFast được xem là “kỳ tích” khi đã thực hiện được hết các tuyến bố “động trời” trước đó.

Tháng 6/2019, VinFast khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng). Nhà máy ô tô VinFast có quy mô và năng lực sản xuất vào loại hiện đại nhất tại Việt Nam (có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 250.000 xe/năm, giai đoạn 2 là 500.000 xe/năm, tốc độ sản xuất khoảng 38 xe/giờ). Như vậy chỉ sau 21 tháng doanh nghiệp này đã thần tốc hoàn thành một nhà máy lớn và hiện đại bậc nhất không chỉ tại Việt Nam mà trong cả khu vực.

Đây được xem là bước ngoặt của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt khi từ gia công sang làm chủ chuỗi giá trị sản xuất với một thương hiệu riêng.

Năm 2019, sau đợt bàn bàn giao những chiếc xe đầu tiên - VinFast Fadil, tháng 7/2019, VinFast tiếp tục đưa ra thị trường các mẫu xe cao cấp mang thương hiệu VinFast Lux (sedan 5 chỗ Lux A2.0 và SUV 7 chỗ Lux SA 2.0). Các sản phẩm của VinFast đều có thiết kế hiện đại, chất lượng đảm bảo và có chứng nhận an toàn va chạm Asean NCAP 4 và 5 sao, động cơ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 5.

Không dừng ở đó, năm 2019 và 2020, VinFast dự kiến sẽ ra mắt 12 mẫu ô tô các loại và xe máy điện.

Trong thời gian rất ngắn, không chỉ phát triển nhanh trong thị trường nội địa, thương hiệu Việt này đã tính tới bước vươn ra biển lớn. Tháng cuối cùng của năm 2019, hãng tin Bloomberg tung ra phóng sự về VinFast và giật tít với nội dung "Người giàu nhất Việt Nam đánh cược 2 tỷ đô la để bán xe vào thị trường Mỹ".

Với những cột mốc phát triển nhanh, thương hiệu xe hơi Việt VinFast từ khi ra mắt tại Paris Motor Show 2018, chính thức giao xe tại thị trường Việt Nam vào 2019, và tiến tới sẽ xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ vào năm 2021.

Chiến lược mới

THACO, TC Motor, Vinfast…, với quyết tâm và chiến lược đầu tư sản xuất ô tô trong nước, tận dụng quãng thời gian quý giá nhờ các chính sách ủng hộ, hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Nhiều hãng lớn trên thế giới có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Một số tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy: Hiện cả nước có khoảng 350 DN sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có khoảng 40 DN sản xuất lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng được 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.

Chỉ riêng hai doanh nghiệp trong nước là TC Motor và THACO đã chiếm tới khoảng trên 50% lượng xe lắp ráp và nhập khẩu; 60% lượng xe sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh khốc liệt với xe nhập khẩu có lợi thế về thuế ưu đãi theo các cam kết. Năm 2019, lượng xe ô tô từ các nước trong khu vực ASEAN (thuế NK 0%) gia tăng nhanh chóng với kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 2018.

Cùng với đó, thời gian tới, nhiều Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương (FTA) thế hệ mới như EVFTA (FTA Việt Nam - EU), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP... tiếp tục được thực hiện, Việt Nam dần dần sẽ cắt giảm, loại bỏ thuế nhập khẩu đối với xe xuất xứ từ các nước như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thực tế này khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ rất khó khăn để tồn tại chứ chưa nói đến phát triển.

Sau nhiều chục năm trầy trật không được như mong muốn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đạt được những dấu ấn phát triển mới, được xem như kỳ tích. Kết quả này được tiếp sức từ những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự nỗ lực quyết tâm của doanh nghiệp. Và đã đến lúc chúng ta cần một chiến lược mới cùng với các chính sách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng của ngành ô tô Việt Nam.

Nguyễn Hà