Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

20:48 04/09/2023

Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong tháng 8 với mức tăng 3,5% so với cùng kỳ.

Trong nửa đầu năm nay, ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 0,37%, chỉ riêng tháng 8 đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng dẫn đầu về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD trong 8 tháng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý trong 8 tháng năm 2023, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: đường kính tăng 34,9%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 14,2%; xăng, dầu tăng 10,1%; ti vi tăng 10%; sơn hóa học tăng 9,5%; thuốc lá điếu và vải dệt từ sợi nhân tạo cùng tăng 8,6%; thép cán tăng 6,5%. Một số ngành đóng vai trò là động lực cho xuất khẩu đều có những tín hiệu tích cực như dệt, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại, kim loại đúc sẵn và giường, tủ, bàn, ghế...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao là: Bắc Giang tăng 16,4%; Phú Thọ tăng 15,7%; Nam Định tăng 13,8%; Kiên Giang tăng 13%; Hải Phòng tăng 12,1%; Phú Yên tăng 11,8%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Hậu Giang tăng 183,8%; Thái Bình tăng 91%; Trà Vinh tăng 34,7%.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là trên 25%. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao lên tới trên 95%. Vì vậy, sự phục hồi trong 8 tháng vừa qua cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo đang trở lại vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Trong thời gian tới, đặc biệt trong những tháng cuối năm, để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi và là động lực tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, đối với các ngành hàng chế biến, chế tạo, bài toán đau đầu nhất là giảm tỷ lệ phế phẩm và tăng tỷ lệ thành phẩm, nghĩa là giảm được các chi phí tái chế, tái sản xuất, cũng như giảm tỷ lệ lãng phí trong quá trình sản xuất. Giải quyết được vấn đề này, các doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực và hiệu quả sản xuất.

Ngọc Phi (TH)