Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông

10:53 01/09/2023

Vừa qua, tại TP. Hải Phòng đã diễn ra Diễn đàn Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông với sự tham gia của 4 địa phương trên trục cao tốc phía Đông (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh).

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và VCCI tham quan các gian hàng triển lãm về các khu công nghiệp
Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và VCCI tham quan các gian hàng triển lãm về các khu công nghiệp.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin: Bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 KKT và KCN, Trong đó, Hải Phòng có 1 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702 ha. Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.

Riêng lĩnh vực phát triển công nghiệp, 4 địa phương trên được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ngành công nghiệp - xây dựng của các địa phương là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, quan trọng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ trong các ngành này tại Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Theo Chủ tịch VCCI, diễn đàn “Liên kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông”  nhằm từng bước hiện thực hóa Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Đồng thời, cung cấp bức tranh toàn cảnh về đầu tư, phát triển hạ tầng KCN, CCN các địa phương trên trục cao tốc phía Đông, góp phần kết nối giữa các doanh nghiệp trong trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển KCN; qua đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại các KCN, cụm công nghiệp.

Diễn đàn Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
Diễn đàn Liên kết phát triển Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp về định hướng quy hoạch KCN ở Việt Nam, thực tế tại các tỉnh thuộc cao tốc phía đông và giải pháp; tình hình thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường trong các KCN; tiếp cận sinh thái và đổi mới sáng tạo cho các KCN; kinh nghiệm kết nối các KCN ở nước ngoài và bài học cho Việt Nam; phát huy thế mạnh của các địa phương trục cao tốc phía đông trong tăng cường tính liên kết của các KCN, KKT; một số đề xuất, góp ý trong định hướng công tác quy hoạch phát triển hạ tầng công nghiệp sinh thái để thu hút FDI; giải pháp giúp các nhà phát triển KCN Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần có thể tận dụng lợi thế của nhanh để tối đa hóa năng suất của chuỗi cung ứng địa phương; phát triển mô hình KCN xanh; phát triển hiệu quả chuỗi logictics tuyến vành đai Vân Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, thúc đẩy lưu chuyển nguồn hàng tại các KCN…

Tham luận tại diễn đàn, ông Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Về việc triển khai thực hiện nội dung thỏa thuận đã ký kết của lãnh đạo 4 địa phương rất cần tổ chức xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các KCN, KKT để đảm bảo sự liên kết, sự kết nối phát triển chung cho cả 4 tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh có KCN, KKT trên cả nước đề xuất xây dựng và ban hành Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và phát triển các KCN, KKT”.

Ảnh toàn cảnh
Ảnh toàn cảnh.

Đồng ý với phát biểu của Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý KKT Quảng Ninh cho biết thêm: “Trên cơ sở định hướng quy hoạch và ngành nghề thu hút đầu tư của các KCN, KKT, các địa phương cần phối hợp xây dựng và ban hành bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT chung cho cả 4 địa phương và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chung trên cơ sở đó tạo sự thống nhất và đảm bảo hiệu suất, tính liên kết của các KCN, KKT”.

 

Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương thì: “Về cơ chế chính sách, tiếp tục tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thể chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết trục cao tốc phía Đông trong Đề án thể chế liên kết vùng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các bộ, ngành chủ động phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành đảm bảo phát huy hiệu quả vai trò “một cửa, một đầu mối” của các Ban Quản lý KCN, KKT...”.

Nam Trí Đức