Chuyên gia kinh tế dự báo bức tranh kinh tế vĩ mô năm 2023, có thể chỉ ở mức 5%

13:35 09/04/2023

Ở kịch bản cơ sở, nhóm chuyên gia dự báo GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng 5,5-6%, trong đó tăng cao nhất ở quý 2. Ở kịch bản tích cực hơn, tăng trưởng cả năm có khả năng đạt 6-6,5%.

Việc hạ dự báo được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu trong báo cáo vĩ mô vừa công bố. Trong quý đầu năm, tăng trưởng GDP  chỉ đạt 3,3%, nếu không xét thời điểm nền kinh tế bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 (quý I/2020 và quý III/2021) thì đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2009.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn giữ nguyên kịch bản tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% với mục tiêu tăng trưởng các quý còn lại từ 6,7-7,9%.

VDSC cho rằng mục tiêu này không những thách thức mà còn thiếu khả thi trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong lằn ranh của suy thoái, sự suy giảm của thị trường bất động sản và tiêu dùng trong nước mới chỉ ở giai đoạn đầu.

Dự báo đầu năm của VDSC về tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 5,6%. Với diễn biến tăng trưởng kinh tế  quý I thấp, VDSC điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP cả năm về mức 5%.

Dự báo này đưa ra trên cơ sở sản xuất công nghiệp cải thiện trong các quý tới; niềm tin kinh doanh và tiêu dùng phục hồi kể từ nửa sau năm 2023 nhờ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng;  đầu tư công các quý tới dự kiến tăng tốc hơn so với quý I và tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ.

Giả định cho dự báo trên là tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ suy giảm ở mức trung bình, mặt bằng lãi suất và lạm phát  hạ nhiệt sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng và tiêu dùng và những hỗ trợ của Chính phủ về chính sách tài khoá và tiền tệ sớm được triển khai.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo:

Về tăng trưởng GDP: trong bối cảnh quốc tế khó khăn cùng với những thách thức nội tại như nêu trên, Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm nhiều hơn nữa mới đạt mức tăng trưởng khả quan hơn. Với kết quả tăng trưởng khá thấp của quý 1, mức nền cao của quý 2 và cả năm 2022, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) , trong đó dự báo tăng trưởng các quý còn lại lần lượt là 7%; 6% và 6,5%. Mặc dù việc Trung Quốc đã mở cửa từ tháng 1/2023 sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng, thương mại, đầu tư, du lịch ... toàn cầu và Việt Nam, song sẽ khó bù đắp được tác động tiêu cực từ môi trường quốc tế, cũng như sự sụt giảm đáng kể từ các đối tác lớn của Việt Nam. 

Về lạm phát, áp lực lạm phát vẫn còn do cả yếu tố cầu kéo (lực cầu tiêu dùng khá cao, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện hơn năm trước) và chi phí đẩy (giá dầu và giá hàng hóa, dịch vụ thế giới còn ở mức cao, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại làm tăng lực cầu). Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam đang hạ nhiệt dần và dự báo CPI cả năm 2023 tăng khoảng 4-4,5% nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố tích cực cho kiềm chế lạm phát (giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục giảm, lực cầu còn yếu và các biện pháp kiểm soát lạm phát phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn).

Bình Phương