Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3.

12:20 28/03/2024

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3. Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025..

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 122/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương ban hành ngay các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thực hiện Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để triển khai kịp thời, hiệu quả, hoàn thành trong tháng 3 năm 2024.

Khẩn trương rà soát toàn diện, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công bố thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, nâng cao tính minh bạch trên thị trường chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, giám sát thị trường chứng khoán; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư.

Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời phòng, chống, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững, vận hành an toàn, công bằng, công khai, lành mạnh.

Mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung để thu hút các dòng vốn gián tiếp đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập;
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập;.

Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ động cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin chính thống tạo sự đồng thuận trong xã hội, ổn định tâm lý thị trường và nhà đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo để nâng cao kiến thức tài chính, năng lực phân tích, đánh giá cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Nghiên cứu, sử dụng các công cụ quản lý thuế phù hợp, công khai, minh bạch đúng quy định gắn với tăng cường chuyển đổi số để chống thất thu thuế.

Khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với việc niêm yết đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán; tiếp tục phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới; Cải thiện chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi Bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho thị trường chứng khoán phái sinh.

Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát đối với người hành nghề chứng khoán; phối hợp với hiệp hội nghề nghiệp áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp đối với người quản lý công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và người hành nghề; từng bước nghiên cứu chuyển giao hoạt động tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề cho các hiệp hội nghề nghiệp.

Khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Về công tác nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

Khẩn trương triển khai ngay các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán, đặc biệt tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xử lý nhanh chóng, kịp thời và có kết quả các vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo kết quả triển khai thực hiện trong tháng 6 năm 2024.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/6/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường chứng khoán. Nghiên cứu triển khai việc thanh toán, bù trừ an toàn, hiệu quả, đúng quy định pháp luật và phù hợp với quy luật của thị trường, hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên và báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/5/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2024.

Chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện, kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống giao dịch chứng khoán, hệ thống công nghệ thông tin, chủ động xây dựng các quy trình kiểm soát rủi ro, biện pháp xử lý, ứng phó với những tình huống cấp bách, không để xảy ra sự cố kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống tài chính, quyền lợi cho nhà đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, bảo đảm sự an toàn, đồng bộ, thông suốt giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Nâng cao chất lượng hoạt động các công ty chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" bảo đảm an toàn tài chính, nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản trị công ty, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động các công ty chứng khoán; nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu; tăng cường vai trò tạo lập thị trường theo quy định pháp luật.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế hướng dẫn, quản lý và giám sát việc áp dụng công nghệ tài chính trong giao dịch và các dịch vụ chứng khoán.

Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán

Trong tháng 2, diễn biến thị trường chứng khoán có các phiên tăng, giảm đan xen, nhưng vẫn theo xu hướng tăng.
Trong tháng 2, diễn biến thị trường chứng khoán có các phiên tăng, giảm đan xen, nhưng vẫn theo xu hướng tăng..

Đối với tổ chức phát hành, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán, hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

Đẩy mạnh đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường, phát hành đa dạng các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương để đáp ứng mục tiêu phát hành của cơ quan phát hành, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư.

Đa dạng hóa các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh với mục tiêu tạo ra kênh huy động vốn bền vững, lành mạnh.

Đối với các nhà đầu tư, chủ động cập nhật, nâng cao hiểu biết, kiến thức về thị trường chứng khoán, năng lực phân tích tài chính, đánh giá rủi ro, tăng cường tính trách nhiệm của nhà đầu tư đối với các hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái theo dõi, chỉ đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý hoạt động nạo vét vùng cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 26/3/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý hoạt động nạo vét vùng cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến các đại biểu tại cuộc họp, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị định.

Việc lựa chọn nhà đầu tư mục đích chính là thực hiện công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa.
Việc lựa chọn nhà đầu tư mục đích chính là thực hiện công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa..

Phó Thủ tướng lưu ý phải rà soát kỹ việc phân cấp cho địa phương bảo đảm nguyên tắc thống nhất công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa từ trung ương đến địa phương, tuân thủ các quy định pháp luật liên quan; không để trống pháp lý hoặc làm gián đoạn, ảnh hưởng tới hoạt động hàng hải, đường thủy nội địa.

Đồng thời, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy định để khuyến khích, thu hút tối đa nguồn lực xã hội, các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện công tác nạo vét và công tác quản lý vận hành luồng hàng hải, đường thủy nội địa (doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về hiệu quả tài chính, kinh tế...), cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát về quy hoạch, kế hoạch, chuẩn tắc, thông số kỹ thuật luồng, công tác bảo đảm an toàn, tài nguyên khoáng sản, môi trường.

Việc lựa chọn nhà đầu tư mục đích chính là thực hiện công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa. Do vậy, cần thiết phải quy định rõ ràng, minh bạch và kiểm soát việc tận thu các sản phẩm (cát, sỏi, khoáng sản…) từ hoạt động nạo vét để đảm bảo hiệu quả chung, tránh việc lạm dụng chính sách gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn, môi trường, cảnh quan.

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để chỉnh lý, bổ sung quy định theo hướng vừa bảo đảm nguyên tắc áp dụng chung cho hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa nói chung và có quy định đặc thù đối với hoạt động nạo vét phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tuân thủ quy định nhận chìm chất nạo vét ở biển; yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; yêu cầu đối với các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước; quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với quy hoạch, bố trí khu vực nhận chìm ở biển, khu vực đổ chất nạo vét trên bờ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về: tiêu chí, điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện nạo vét luồng hàng hải công cộng, luồng đường thủy nội địa bằng nguồn vốn do doanh nghiệp tự huy động, trường hợp doanh nghiệp đề xuất thực hiện nạo vét luồng hàng hải công cộng cùng với đầu tư xây dựng cảng biển; quy định về việc sử dụng nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình./.

Ông Hoàng Xuân Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
Ông Hoàng Xuân Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình..

Bích Liên (Theo cổng thông tin Chính phủ).