CEO TikTok lên tiếng trước lệnh cấm từ phía Mỹ

17:19 25/04/2024

Cuộc tranh luận về tương lai của TikTok không chỉ liên quan đến quyền tự do ngôn luận trực tuyến và tương lai của mạng xã hội mà còn về cách người Mỹ nghĩ về bảo mật dữ liệu và ai là người quyết định những gì họ xem trực tuyến.

giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew
Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew.

Sau khi Tổng thống Joe Biden ký luật liên quan đến TikTok hôm 24/4 (giờ địa phương), trong một video đăng trên tài khoản chính của TikTok, Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew nhấn mạnh: "Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi tự tin và sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của các bạn tại tòa án. Sự thật và Hiến pháp Mỹ đứng về phía chúng tôi và chúng tôi hy vọng sẽ thắng thế".

Video của ông Chew nhanh chóng nhận được khoảng 176.000 lượt thích sau khoảng một giờ đăng tải. Theo đài NBC, TikTok đã từng thắng kiện. Vào năm 2020, một thẩm phán liên bang đã ngăn chặn nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm cấm TikTok ở Mỹ, phán quyết cho rằng, sắc lệnh của ông Trump khi đó là "tùy tiện và thất thường".

Tuyên bố của ông Chew được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật liên quan tới ứng dụng chia sẻ video TikTok. Dự luật đã được Thượng viện thông qua với số phiếu 79-18, 3 ngày sau khi Hạ viện thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng.

Đạo luật của Mỹ cho TikTok 9 tháng để thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc hoặc bị loại khỏi thị trường Mỹ. Theo đạo luật, ByteDance sẽ phải bán ứng dụng hoặc bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng của Apple và Google tại Mỹ.

Cuộc tranh luận về tương lai của TikTok không chỉ liên quan đến quyền tự do ngôn luận trực tuyến và tương lai của mạng xã hội mà còn về cách người Mỹ nghĩ về bảo mật dữ liệu và ai là người quyết định những gì họ xem trực tuyến.

Mỹ và các quan chức phương Tây khác cáo buộc nền tảng truyền thông xã hội này cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu và theo dõi người dùng. TikTok có 170 triệu người dùng chỉ riêng ở Mỹ, trong đó có nhiều người trẻ.

TikTok nói rằng, họ đang nỗ lực giảm bớt những lo ngại về bảo mật bằng cách lưu trữ dữ liệu ở Mỹ và cho rằng, những lo ngại về tuyên truyền là vô căn cứ.

TikTok chuẩn bị thách thức dự luật của ông Biden trên cơ sở Tu chính án thứ nhất. Một thẩm phán Mỹ ở Montana vào tháng 11 đã chặn lệnh cấm của tiểu bang đối với TikTok, với lý do quyền tự do ngôn luận.

Liên minh Tự do Dân sự Mỹ cho biết, việc cấm hoặc yêu cầu thoái vốn khỏi TikTok sẽ “đặt ra tiền lệ toàn cầu đáng báo động về việc chính phủ kiểm soát quá mức đối với các nền tảng truyền thông xã hội”.

Thượng nghị sĩ Laphonza Butler, đảng viên Đảng Dân chủ California, kêu gọi Nhà Trắng xem xét số phận của 8.000 nhân viên Mỹ của TikTok, nhiều người trong số họ đang ở New York hoặc California.

Dự luật cũng sẽ cung cấp cho Nhà Trắng những công cụ mới để cấm hoặc buộc bán các ứng dụng khác thuộc sở hữu nước ngoài mà họ cho là mối đe dọa an ninh.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu có người mua nào có đủ nguồn tài chính để mua TikTok hay không và liệu các cơ quan chính phủ Trung Quốc và Mỹ có chấp thuận việc mua bán hay không.

Trong video đăng tải, ông Chew cũng bác bỏ khả năng bán lại, đồng thời kêu gọi người dùng và các nhà quảng cáo tập hợp lại để bảo vệ nền tảng bằng cách nói về cách họ sử dụng TikTok.