Tổng thống Biden ký luật yêu cầu TikTok thoái vốn tại Mỹ hoặc bị cấm

09:19 25/04/2024

Phản ứng với động thái trên, một phát ngôn viên của TikTok cùng ngày cho rằng, lệnh cấm TikTok là vi hiến và tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra tòa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Khuya 24/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một đạo luật mới, trong đó có nội dung cấm TikTok nếu công ty mẹ ByteDance (có trụ sở tại Trung Quốc) không thoái vốn khỏi ứng dụng này trong vòng 1 năm (bao gồm 9 tháng để thực hiện quy định trên, trường hợp cần thiết thì sẽ gia hạn thêm 3 tháng). Động thái này diễn ra một ngày sau khi Quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng.

Chính quyền Joe Biden cho rằng, dự luật này là cần thiết nhằm giảm thiểu các rủi ro về an ninh quốc gia và dữ liệu cá nhân với cáo buộc dữ liệu của người sử dụng được thu thập thông qua TikTok và chuyển cho chính phủ Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio bày tỏ quan điểm ủng hộ dự luật, cho rằng, việc để phía Trung Quốc kiểm soát một ứng dụng phổ biến như TikTok trong nhiều năm là 'thiếu tầm nhìn'. Ông tin rằng, việc yêu cầu ByteDance bán TikTok là động thái tích cực cho nước Mỹ.

Phản ứng với động thái trên, một phát ngôn viên của TikTok cùng ngày cho rằng, lệnh cấm TikTok là vi hiến và tuyên bố sẽ đưa vụ việc ra tòa. Quan chức này cũng nhấn mạnh TikTok đã đầu tư hàng tỷ đô la để giữ an toàn cho dữ liệu ở Mỹ cũng như bảo đảm rằng ứng dụng này không bị ảnh hưởng và bị thao túng từ bên ngoài.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối dự luật này, khẳng định rằng 'Mỹ chưa bao giờ tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy TikTok gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia' và cáo buộc Mỹ đã không ngừng nhắm vào TikTok.

Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) bày tỏ lo ngại rằng, việc cấm hoặc yêu cầu TikTok thoái vốn có thể thiết lập một tiền lệ đáng báo động về việc chính phủ kiểm soát quá mức các nền tảng truyền thông xã hội.

Việc hạn chế quyền truy cập vào một nền tảng phổ biến như TikTok có thể ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin của người dùng ở Mỹ. Bên cạnh đó, điều này làm xấu thêm mối quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng và khá phức tạp. Cuối cùng, việc chính phủ can thiệp vào hoạt động của các mạng xã hội có thể mở ra cánh cửa cho những hạn chế và kiểm soát khác trong tương lai.

Lệnh cấm Tiktok của Mỹ sẽ làm ảnh hưởng tới 7 triệu doanh nghiệp và 170 triệu người sử dụng ở Mỹ.

TikTok đang bị soi xét ở các nước phương Tây, do lo ngại nguy cơ dữ liệu người dùng rơi vào tay Trung Quốc. Các cơ quan an ninh Đức từng cảnh báo người dân không dùng TikTok, trong khi ứng dụng bị cấm trên thiết bị của nhân viên nhà nước ở nhiều quốc gia. Nền tảng video ngắn khẳng định các cảnh báo này không có cơ sở, nhấn mạnh họ không thu thập dữ liệu nhiều hơn những ứng dụng khác.

Phương Anh (T/h)
Tags: