Cách công ty mẹ của TikTok giữ chân nhân tài

10:33 16/04/2024

ByteDance - công ty mẹ của ứng dụng TikTok đã cam kết tăng tiền thưởng hàng năm cho nhân viên có hiệu suất làm việc xuất sắc.

Ảnh minh họa
ByteDance đã cam kết tăng tiền thưởng hàng năm cho những nhân viên có thành tích cao.

Trong thời gian gần đây, ByteDance đã phải thực hiện việc cắt giảm hàng nghìn nhân viên ở nhiều bộ phận khác nhau, đồng thời đẩy nhanh quá trình cứu vãn hoạt động của ứng dụng TikTok tại thị trường Mỹ.

Trong một email nội bộ được gửi vào ngày 28/3, ông Hue Wei - Giám đốc nhân sự của ByteDance thông báo rằng, những nhân viên được xếp loại "M" trở lên sẽ nhận được mức thưởng bổ sung từ 5% đến 15% trên tổng số tiền thưởng mà họ đã được thông báo trước đó.

Việc xếp loại "M" tương đương với khả năng "đáp ứng kỳ vọng" của công ty, được xét là một trong những xếp loại cao nhất trong 8 xếp loại của ByteDance. Theo tiết lộ của một nhân viên giấu tên, thông thường, xếp loại này đi kèm với một khoản tiền thưởng bằng ba tháng lương của nhân viên. Tuy nhiên, khoản thưởng bổ sung này thường được cung cấp dưới dạng quyền chọn mua cổ phiếu theo mặc định, như được nêu trong email của ông Hue Wei. Trong một số trường hợp nhất định có thể được thưởng bằng tiền mặt. Email cũng nhấn mạnh rằng, mục đích của khoản khuyến khích tài chính này là để phân loại những nhân viên "có thành tích tốt hơn".

Chiến lược tăng tiền thưởng nhằm giữ chân nhân tài của ByteDance thể hiện rõ sự nỗ lực của công ty trong việc thu hút những nhân viên giỏi, muốn cống hiến công sức của mình để gây dựng công ty ngày một lớn mạnh, ngay cả khi công ty đang tiếp tục tái cấu trúc hoạt động trong năm nay.

Ngoài ByteDance, Cainiao - công ty logistic thuộc sở hữu của Alibaba cũng đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi tiền thưởng cuối năm cho tất cả nhân viên trong năm tài chính tiếp theo. Đây được kỳ vọng là một động thái sẽ nâng cao tinh thần của nhân viên sau khi kế hoạch IPO của Cainiao bị hủy bỏ bởi công ty mẹ Alibaba.

Tháng 01/2024, ByteDance đã điều chỉnh chính sách tiền lương để để cho phép nhân viên bán quyền chọn mua cổ phiếu nhanh hơn, do kế hoạch IPO của công ty vẫn đang chậm tiến độ. Tuy nhiên, họ đã bắt đầu cắt giảm việc làm tại đơn vị Feishu, ảnh hưởng đến khoảng 1.000 nhân viên và dự kiến sẽ cắt giảm tới 20% tổng số nhân viên của Feishu.

Sau khi rút lui khỏi ngành công nghiệp trò chơi điện tử vào tháng 11 năm trước, ByteDance đã sa thải hàng trăm nhân viên tại Nuverse - studio phát triển game hàng đầu của công ty. 

H.C (t/h)