Cần xây dựng văn bản pháp lý đủ tầm và có tính tổng thể cho ngành sản xuất mỹ phẩm

15:02 19/06/2023

Đây là nội dung được đưa ra trong Hội thảo: Thực trạng quản lý mỹ phẩm và định hướng chính sách quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới, do Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) tổ chức tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo.

Theo khảo sát đánh giá của EuroMonitor International, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang ngày càng lớn với tốc độ tăng trưởng trung bình là 6%/năm, từ 2 tỷ USD năm 2016 lên đến gần 2,7 tỷ USD năm 2021 và dự đoán đến năm 2026, tổng doanh thu ngành hàng mỹ phẩm lên tới 3,5 tỷ USD. Điều này cho thấy thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng và sức hút. Hàng nghìn thương hiệu mỹ phẩm đã xuất hiện tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như mở văn phòng đại diện, đặt đại lý, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty và xây dựng nhà máy sản xuất.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trục Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý mỹ phẩm thời gian qua; các đại biểu tham luận ý kiến, giải pháp, đề xuất đối với cơ quan quản lý xây dựng chính sách, quy định quản lý mỹ phẩm; thảo luận định hướng về chính sách quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đơn vị liên quan tâp trung vào xây dựng, hoàn thiện 03 nội dung chính sách lớn, gồm:

Cơ quan quản lý cần tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN;

Tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng công nghệ 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng;

Để nâng có thể nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm trong nước tiến tới xuất khẩu, chúng ta cần nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP- Asean về mỹ phầm và quy định lộ trình thực hiện.

Với yêu cầu thực tiễn đặt ra, cần phải xây dựng văn bản pháp lý đủ tầm và có tính tổng thể, đưa ra những chính sách, quy định cho giai đoạn tiếp theo để điều chỉnh, thay thế các quy định không còn phù hợp với thực tế; đồng thời tạo tiền đề, định hướng cho ngành sản xuất mỹ phẩm trong nước phát triển.

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã chia sẻ với Bộ Y tế về những khó khăn, thách thức mà công tác quản lý mỹ phẩm phải đối mặt thời gian qua; đồng thời bày tỏ trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các khó khăn này…

Trong hội thảo lần này, có nhiều báo cáo, tham luận của các nhà quản lý, nhà chuyên môn chia sẻ về thực trạng quản lý mỹ phẩm hiện tại và định hướng quản lý mỹ phẩm trong thời gian tới. Để công tác đánh giá các chính sách được tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, phải có các góc nhìn khác nhau, từ phía cơ quan quản lý, đến doanh nghiệp, người dân và phải đánh giá được toàn bộ các nội dung mang tính chủ yếu, cốt lõi của chính sách. Những nội dung thông tin bổ ích, tài liệu quan trọng tại hội thảo này sẽ góp phần hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm.

Ảnh minh họaThứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và các đại biểu thăm gian hàng triển lãm
Thứ trưởng Thường trục Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và các đại biểu thăm gian hàng mỹ phẩm tại triển lãm.

Bên lề hội thảo, các doanh nghiệp mỹ phẩm cũng tổ chức các gian hàng triển lãm, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm mỹ phẩm đang được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Các gian hàng đã thu hút sự chú ý của đại biểu tham dự với nhiều mẫu mã, đa dạng mặt hàng của nhiều thương hiệu lớn.

T.H