Bộ Y tế triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng

23:44 12/04/2023

Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng trong quý III/2023.

Ngày 12/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng tại các cơ sở y tế công lập.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Ngày 31/5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Tiếp đó, ngày 12/3/2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Thời gian qua, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc tại một số cơ sở y tế công lập đã có những khó khăn nhất định. Để tháo gỡ các khó khăn này, trong năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành 40 Thông tư; tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết để tháo gỡ. Có thể kể đến như: Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày 9/1/2023 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.

Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP ngày 3/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng
Bộ Y tế triển khai đấu thầu thuốc và lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Ngày 4/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/2023/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, nhằm tháo gỡ cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hướng dẫn sử dụng và chi trả bảo hiểm y tế cho máy mượn, máy đặt. Đây là những giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải.

Theo quy định tại mục 5, Nghị quyết 30/2023/NQ-CP, Bộ Y tế có trách nhiệm hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế trong quý II/2023; hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức đấu thầu của từng cấp và khả năng cung ứng của doanh nghiệp để cung ứng đủ, kịp thời thuốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong quý III/2023.

Bộ Y tế cũng có nhiệm vụ hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung trong quý III/2023; hoàn thành việc xây dựng, ban hành hướng dẫn mẫu hồ sơ mời thầu đối với gói thầu dược liệu, vị thuốc cổ truyền để đấu thầu qua mạng trong quý III/2023.

Bộ cũng phải hoàn thành việc rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh; trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quý II/2023; hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung trong quý III/2023.

Bộ Y tế đã giao các cục, vụ, đơn vị liên quan triển khai việc xây dựng thông tư; đề xuất các giải pháp thực hiện, làm sao để ngày 31/12/2023 hoàn thành, tránh việc bước sang 1/1/2024 có "khoảng trống" về pháp lý.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trước đó, Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế (TTBYT) tại các cơ sở y tế công lập để lấy ý kiến hoàn thiện nội dung với thời hạn góp ý là đến ngày 6/6/2023.

Về cơ bản, Dự thảo Thông tư nhằm cụ thể hóa quyết nghị của Chính phủ trong Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc xây dựng giá gói thầu TTBYT trong năm 2023 (thời hạn hoàn thành xây dựng Thông tư là quý II/2023). Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư còn bổ sung thêm một số nguyên tắc xây dựng giá gói thầu, hồ sơ mời thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, tăng cường trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT).

Cụ thể, theo Dự thảo Thông tư, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại TTBYT nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, CĐT/BMT xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

CĐT/BMT có thể xác định giá gói thầu căn cứ vào giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp; hoặc giá trúng thầu của gói thầu mua sắm TTBYT tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trong đó, giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo một trong 2 hình thức.

Một là căn cứ trên tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn đã được Hội đồng khoa học xác định, CĐT/BMT tổ chức lấy báo giá bằng cách gửi thông báo mời chào giá (quy định cụ thể các nội dung, thông tin: thời hạn báo giá, yêu cầu kỹ thuật, khả năng cung cấp, phương thức nhận, địa chỉ nhận của đơn vị yêu cầu báo giá) lên một trong các cổng thông tin điện tử như: Cổng thông tin điện tử của đơn vị; Cổng thông tin điện tử mua sắm công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (https://muasamcong.mpi.gov.vn); Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý TTBYT (https://dmec.moh.gov.vn); Cổng kê khai giá TTBYT (https://kekhaigiattbyt.moh.gov.vn). Thời gian đăng tải thông báo mời chào giá tối thiểu là 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, CĐT/BMT căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp (nhà phân phối) cung cấp báo giá thì CĐT/BMT được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Trong trường hợp này, để tăng cường trách nhiệm giải trình, Dự thảo Thông tư yêu cầu, CĐT/BMT phải có thuyết minh cụ thể, đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan trong quá trình xây dựng giá gói thầu; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác.

Hai là CĐT/BMT được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối duy nhất hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Đối với hồ sơ mời thầu quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp TTBYT để sử dụng vật tư, hóa chất, thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp TTBYT theo đúng yêu cầu tại hồ sơ mời thầu. Về nguyên tắc, yêu cầu của CĐT/BMT trong hồ sơ mời thầu phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh trong đấu thầu, tránh hướng đến một nhà thầu hoặc số ít nhà thầu hoặc chỉ định thầu; và chỉ được thực hiện hợp đồng không quá 24 tháng.

P.V (t/h)