Bộ Y tế: Bãi bỏ, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính về quy định kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý

16:35 31/05/2023

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 31/12/2022, Bộ Y tế đã bãi bỏ được 8 thủ tục hành chính; cắt giảm, đơn giản được 10 thủ tục hành chính.

Vpcp.chinhphu.vn thông tin, tại buổi làm việc giữa Văn phòng Chính phủ với lãnh đạo Bộ Y tế, được tổ chức chiều 30/5 về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và công tác bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.Theo Chánh Văn phòng Bộ Y tế Hà Anh Đức, về tình hình, kết quả triển khai cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, Bộ Y tế là Bộ đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 31/12/2022, Bộ Y tế đã bãi bỏ được 8TTHC; cắt giảm, đơn giản được 10 TTHC.

Về công tác kiểm soát TTHC, theo Bộ Y tế, liên quan đến việc công bố công khai các TTHC, từ năm 2021 đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành 24 Quyết định công bố TTHC mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung, hoặc thay thế/bị bãi bỏ. Theo đó, Bộ Y tế đã công bố bãi bỏ 62 TTHC, sửa đổi, bổ sung 40 TTHC và công bố mới 33 TTHC. Tính đến ngày 23/5/2023 Bộ Y tế công khai trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC và đang áp dụng là 504 TTHC.

Về nhiệm vụ công bố, công khai TTHC, nhận định của Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho thấy, nhiều Quyết định công bố TTHC của Bộ Y tế công bố quá thời hạn quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-VPCP. Nhiều nội dung TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC chưa được Bộ cập nhật, công bố lại khi các văn bản QPPL quy định về TTHC đã hết hiệu lực, được thay thế bằng các văn bản QPPL khác đã có hiệu lực.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: VGP/Quang Thương).

Đối với nhiệm vụ rà soát, đánh giá và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, hàng năm Bộ Y tế đều ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC. Ngoài việc rà soát, đánh giá TTHC thường xuyên, Bộ Y tế đã lựa chọn lĩnh vực để tổ chức rà soát, đánh giá chuyên đề.

Thực hiện các kế hoạch nêu trên, trong năm 2021-2022 Bộ Y tế đã tổ chức rà soát, đánh giá và dự thảo Báo cáo rà soát TTHC trong lĩnh vực Phòng chống HIV/AIDS, lĩnh vực Dược phẩm. Năm 2021, Bộ Y tế thông qua phương án đơn giản hóa 22 TTHC trong lĩnh vực Y tế dự phòng; năm 2022, Bộ Y tế thông qua phương án đơn giản hóa 54 TTHC trong lĩnh vực Dược phẩm.

Theo thống kê tình hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của Bộ Y tế từ năm 2021 đến nay cho thấy, hồ sơ giải quyết TTHC được tiếp nhận số lượng năm sau cao hơn năm trước.

Các đơn vị của Bộ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để giảm tối đa tỷ lệ hồ sơ bị quá hạn, nâng số hồ sơ giải quyết trước hạn. Từ năm 2021 đến quý I/2023, tổng số hồ sơ Bộ Y tế tiếp nhận gần 451.000 hồ sơ và gần 23.000 hồ sơ từ năm 2020 chuyển qua. Số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn chiếm 96,4% tổng số hồ sơ Bộ đã giải quyết. Bộ Y tế đã có ghi nhận số hồ sơ được giải quyết trước hạn, mặc dù chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số hồ sơ đã giải quyết.

Về việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, hiện nay, Bộ Y tế có 162 TTHC đủ điều kiện và đều đã được tái cấu trúc, xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các TTHC khác đều được xây dựng, vận hành bằng dịch vụ công trực tuyến, trong đó ứng dụng tối đa công nghệ thông tin.

Đến nay, đã có 153 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và 55 dịch vụ công trực tuyến kết nối với Cổng thông tin 1 cửa quốc gia. Như vậy tổng số dịch vụ công trực tuyến đã được kết nối là 208 dịch vụ công, đạt 70,03%. Hiện nay Bộ Y tế đang triển khai thí điểm thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh không dùng tiền mặt tại 3 Bệnh viện (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y - Dược TP HCM).

Tại cuộc họp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, Cục Kiểm soát TTHC sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới. Đồng thời, Cục Kiểm soát TTHC nêu đề nghị, về công khai minh bạch TTHC, Bộ Y tế cần thực hiện tốt công tác công bố, công khai TTHC; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa và trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; thực hiện việc đồng bộ, chia sẻ dữ liệu đầy đủ, kịp thời giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Về giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, Bộ Y tế cần rà soát lại toàn bộ TTHC đáp ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc một phần; tái cấu trúc quy trình theo hướng lấy người dung làm trung tâm; tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, hiệu quả…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, trong thời gian qua Bộ Y tế đã nhận được sự phối hợp rất lớn của các Bộ, ngành, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ trong các nhiệm vụ, công việc được giao.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết, trong thời gian qua, một số nhiệm vụ liên quan đến kiểm soát TTHC thuộc Bộ là nhiệm vụ khó, tuy nhiên đội ngũ lãnh đạo của Bộ đã luôn sát sao, đội ngũ cán bộ thuộc Bộ đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao để có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ còn tồn đọng, chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, thời gian tới Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cải cách TTHC và hoàn thiện theo đúng lộ trình đặt ra.

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề nghị Bộ Y tế rà soát, cắt giảm thực chất các quy định thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và phản ứng chính sách, đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của ngành Y tế. Bên cạnh việc đưa ra các phương án cắt giảm, cần quan tâm kiểm tra việc thực thi các phương án đơn giản hóa, để các phương án này được triển khai trên thực tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Bộ Y tế kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; hoàn thành thực thi các phương án cải cách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra. Quan tâm thống kê chính xác, đầy đủ và cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính nội bộ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của ngành y tế.

Tích cực thực hiện tham vấn các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về quy định kinh doanh; đồng thời, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời các quy định trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và khả năng phản ứng chính sách. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, trong đó tập trung số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao tỷ lệ, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm tối thiểu 20% thủ tục hành chính và mẫu đơn, tờ khai, bảo đảm thủ tục hành chính thuận lợi, đơn giản, dễ thực hiện.

T.H