Cần Thơ: Trung tâm đầu mối khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL

11:47 09/11/2023

Sau 20 năm hình thành và phát triển TP Cần Thơ đã đạt được những thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nổi bật. Định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 sẽ trở thành trung tâm đầu mối khoa học và công nghệ vùng ĐBSCL.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phải nói rằng, khoa học và công nghệ (KH&CN) từng bước đã khẳng định được vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thông qua các Chương trình, dự án như: “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị”; “Dự án Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa”; “Phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ” đã thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Các chương trình, dự án này đã thu được những kết quả nổi bật.

Các đại biểu, khách tham quan tìm hiểu về robot tại gian triển lãm của Sở KH&CN TP Cần Thơ.
Các đại biểu, khách tham quan tìm hiểu về robot tại gian triển lãm của Sở KH&CN TP Cần Thơ..

Một số doanh nghiệp được hỗ trợ thực hiện dự án ứng dụng, đổi mới công nghệ tiêu biểu đã đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Cần Thơ lần thứ 11 năm 2020 - 2021 thuộc lĩnh vực cấp thoát nước (Công ty Cổ phần Cấp nước Thốt Nốt); Sản phẩm hạt nông sản qua chế biến (Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Đinh Gia Foods) đạt sản phẩm OCOP 4 sao,...

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án đổi mới công nghệ và thiết bị khiến cho tốc độ tăng trưởng của thành phố Cần Thơ lên đến 13,31%. Tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ trung bình so với tổng giá trị sản phẩm là 32,5%.

Dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã hỗ trợ cho trên 100 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, như: ISO 9001, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17025, ISO/IEC 17065, ISO 50001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, VietGA ... Dự án đào tạo được hơn 5.900 lượt học viên thuộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố các kiến thức chuyên sâu về nâng cao năng suất chất lượng và sở hữu trí tuệ.

Việc phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ được quan tâm và đạt kết quả vượt bậc. Theo số liệu thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, thời điểm năm 2004, toàn thành phố chỉ có 492 văn bằng được bảo hộ, đến 31/12/2022 đã tăng lên 4.486 văn bằng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ tham quan Khu trưng bày sản phẩm của Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Ông Trần Việt Trường – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ tham quan Khu trưng bày sản phẩm của Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ..

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (HST KNĐMST) thành phố Cần Thơ đạt được các kết quả nổi bật.

Qua đó, đã thành lập Mạng lưới cố vấn KNĐMST thành phố Cần Thơ và thành lập gian trưng bày nhằm triển lãm, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của thành phố qua đó quảng bá hình ảnh, đồng thời tạo điều kiện kết nối đầu tư và cơ hội phát triển thị trường cho các doanh nghiệp KNĐMST của thành phố. Tổ chức thành công 08 sự kiện về KNĐMST cấp địa phương và vùng để kết nối các nguồn lực. Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 02 Quỹ đầu tư khởi nghiệp, đồng thời liên kết với các quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác trong nước và quốc tế.

Nhân viên vườn ươm đang vận hành Máy kéo LS-Mtron U6157 được tài trợ từ dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc “Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam tại thành phố Cần Thơ”
Nhân viên vườn ươm đang vận hành Máy kéo LS-Mtron U6157 được tài trợ từ dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc “Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam tại thành phố Cần Thơ”.

Đặc biệt, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc hoạt động rất hiệu quả. Vườn ươm hỗ trợ các doanh nghiệp về KH&CN trong lĩnh vực nông, thủy sản, cơ khí của thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp. Hiện nay, đã thực hiện 11 dự án thuộc các lĩnh vực này và tổ chức 20 lớp đào tạo với 750 học viên.

Phối cảnh tổng quát Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ
Phối cảnh tổng quát Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại thành phố Cần Thơ.

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Thị trường KH&CN được phát triển thông qua nhiều hoạt động xúc tiến như triển lãm chuyên ngành, xây dựng các điểm kết nối cung - cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị,… Hiện nay, thành phố Cần Thơ có trên 07 doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong các lĩnh vực Khoa học kỹ thuật và công nghệ và Khoa học nông nghiệp.

Hoạt động thông tin, thống kê và truyền thông được đẩy mạnh, hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN. Cập nhật, vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin KH&CN, cơ sở dữ liệu quốc gia. Tổ chức truyền thông trên 20 sự kiện triển lãm, kết nối cung - cầu về công nghệ, thiết bị. Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ tại địa chỉ: www.catex.vn. đến nay, đã đăng tải trên 11.708 thông tin về thiết bị - công nghệ ở cả 2 lĩnh vực chào bán và tìm mua. Hiện nay đã có 240 gian hàng tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ, thiết bị với tổng số sản phẩm chào bán là 11.700 sản phẩm. Trong đó có 10.738 sản phẩm từ gian hàng, 44 sản phẩm đang đấu giá và 918 sản phẩm từ các nhà chào bán tự do với hơn 13 triệu lượt truy cập. Mỗi năm có trên 1.000 sản phẩm công nghệ, thiết bị mới được cập nhật và hàng trăm sản phẩm, dịch vụ được quan tâm, tìm kiếm trên Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ.

Hỗ trợ giới thiệu, kết nối trên 1.000 thiết bị, công nghệ, sản phẩm/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của 284 tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong và ngoài nước. Thông tin về thành tựu KH&CN trong và ngoài nước được cập nhật liên tục với hơn 90.000 tin bài và hàng chục video clip phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trung tâm vùng về KH&CN

Thông tin từ Sở KH&CN Cần Thơ cho biết, mục tiêu đến năm 2045, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm đầu mối KH&CN vùng ĐBSCL. Để thực hiện được nhiệm vụ này, quán triệt quan điểm, lấy việc phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu.

Các em học sinh, giáo viên trải nghiệm và chụp hình lưu niệm tại Khu trưng bày Khoa học và Công nghệ Cần Thơ.
Các em học sinh, giáo viên trải nghiệm và chụp hình lưu niệm tại Khu trưng bày Khoa học và Công nghệ Cần Thơ.

Theo đó, đã xây dựng định hướng phát triển KH&CN đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với 7 mục tiêu lớn, trọng tâm. Các định hướng chú trọng đầu tư phát triển cơ sơ vật chất - kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy thị trường KH&CN và tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN.

Hy vọng trong tương lai, thành phố Cần Thơ xứng danh là trung tâm đầu mối KH&CN của vùng ĐBSCL.

Bích Liên - Phước Lập