Cần Thơ – 20 năm khẳng định vị thế trung tâm phát triển của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

23:11 06/12/2023

Cần Thơ có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia; vì vậy, việc chia tách tỉnh Cần Thơ thành TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang là yêu cầu khách quan cho sự phát triển của thời kỳ mới.

Xuất phát từ vị thế của Cần Thơ - là trung tâm của vùng, đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; trong đó, chia tách tỉnh Cần Thơ thành TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.

Cùng với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thách thức và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố cùng sự ủng hộ nhiệt tình của các tỉnh bạn, TP. Cần Thơ lúc mới chia tách từng bước vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Để kỷ niệm 20 năm thành lập TP. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương cũng như thông qua những kết quả đạt được sau gần 20 năm phát triển và hội nhập, ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã có sự chia sẻ đến với bạn đọc:

Đ/c. Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.
Ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết sau 20 năm được tách ra từ tỉnh Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ đã đạt được những thành tựu to lớn đáng kể nào, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: Cần Thơ là thành phố giàu tiềm năng, có lịch sử hình thành khá lâu đời, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Trải qua 20 năm khi TP. Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tập trung công sức, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành, đặc biệt là tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế trong xây dựng và phát triển thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi bộ mặt của thành phố, được vinh dự công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tạo được những dấu ấn, ấn tượng tốt, vị thế, tiềm lực kinh tế của Thành phố chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực, từng bước khẳng định vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ tăng mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 (GDP - giá so sánh 1994) tăng bình quân 15,18%/năm, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2011 - ước năm 2023 (GRDP- giá so sánh 2010) tăng bình quân 5,64%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, đóng góp bước đầu vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước; đến năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (giá hiện hành) đạt gần 120.000 tỷ đồng, gấp 10,2 lần so năm 2004; hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,4 lần so năm 2004.

Xe điện là phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch Xanh-Sạch-Đẹp của thành phố Cần Thơ
Xe điện là phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch Xanh-Sạch-Đẹp của TP. Cần Thơ.

Ngành thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu GRDP, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở Cần Thơ luôn đứng đầu khu vực ĐBSCL; cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và ngày càng phát triển hoàn thiện, đồng bộ với thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù là sinh thái sông nước đô thị, du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và du lịch MICE…, góp phần đưa hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và vùng đất, con người Cần Thơ nói riêng đến với bạn bè quốc tế.

TP. Cần Thơ được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết số 45-NQ/TW, là trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của vùng ĐBSCL và cả nước (Ảnh: Lãnh đạo TP. Cần Thơ đến dự Lễ khai giảng năm học 2023 – 2024 tại Trường Đại học Nam Cần Thơ).
TP. Cần Thơ được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết số 45-NQ/TW, là trung tâm giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của vùng ĐBSCL và cả nước (Ảnh: Lãnh đạo TP. Cần Thơ đến dự Lễ khai giảng năm học 2023 – 2024 tại Trường Đại học Nam Cần Thơ).

Ngoài ra, Cần Thơ hiện đang là trung tâm giáo dục của khu vực ĐBSCL với nhiều trường đại học chất lượng cao, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đáp ứng khá tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực ĐBSCL. Hệ thống các bệnh viện chuyên sâu, đa khoa, trung tâm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp; áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân thành phố và vùng ĐBSCL. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định.

PV: Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị có nói đến về việc xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ và đặc biệt là liên kết vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vậy xin ông cho biết những nhiệm vụ, mục tiêu cho toàn Thành phố như thế nào để hoàn thành sớm nhất các công trình trọng điểm quốc gia kết nối các tỉnh ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới?

Ông Trần Việt Trường: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông nhằm tăng cường liên kết, hợp tác giữa TP. Cần Thơ kết nối với các tỉnh ĐBSCL và TP. HCM giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào Quy hoạch vùng ĐBSCL và được phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện QĐ nêu trên gắn với NQ số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/04/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đặc biệt tập trung từng bước hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang, kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng, đáp ứng nhu cầu vận tải thông suốt từ TP. Cần Thơ đi các tỉnh, vùng ĐBSCL và TP.HCM ngày càng thuận lợi, nhanh chóng.

Khẩn trương thực hiện công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn I và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đến nay đã giải phóng mặt bằng đạt trên 80%, dự kiến đến hết năm 2023 bàn giao 100% mặt bằng cho các đơn vị thi công. Đồng thời, đã chủ động phối hợp với TP. HCM nghiên cứu, đề xuất đầu tư tuyến đường sắt kết nối TP. HCM với Cần Thơ, đảm bảo tiến độ và thực hiện lộ trình theo quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp với các tỉnh trong vùng ĐBSCL đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo mục tiêu NQ số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng.

Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tặng bức chân dung Bác Hồ cho Lãnh đạo Thành phố Cần Thơ.
Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, tặng bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Lãnh đạo TP. Cần Thơ. Ảnh: Phạm Trung.

PV: TP. Cần Thơ được đánh giá là nơi tập trung các khu nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ. Vậy chủ trương của Thành phố có gì đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Ông Trần Việt Trường: TP. Cần Thơ được Quốc hội quyết nghị thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; đặc biệt là chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Cụ thể, khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định, các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 07 năm tiếp theo. Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm liên kết được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Ngoài ra, Thành phố đề nghị các Sở ban ngành, các cơ quan trung ương trên địa bàn thường xuyên rà soát, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ lãi vay.

Ảnh minh họa
Cần Thơ đang ‘vươn mình’ trở thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Cần Thơ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của các nhà đầu tư./.

Xin cám ơn ông đã chia sẻ!

Phước Lập – Hoàng Nhi

Tags: