Cần khung pháp lý thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp

06:22 06/06/2023

Tại hội thảo "Bàn giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam", nhiều chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia BĐS, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển tạo ra không gian mới để thu hút đầu tư, tạo tiềm năng, dư địa lớn để hình thành và phát triển phân khúc BĐS du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư. Các Luật Đất đai, Luật Du lịch và Luật Kinh doanh BĐS cũng chưa có quy định nào cụ thể, rõ ràng, đề cập trực diện về BĐS du lịch nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đến quyền của các tổ chức, cá nhân... liên quan đến sử dụng đất phục vụ mục đích du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Quyền sử dụng đất là một vấn đề quan trọng đối với phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Bản chất của du lịch nông nghiệp phải là nông trại thực thụ, không chỉ là mảnh vườn nhỏ kèm theo căn nhà trong dự án. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc cấp phép sử dụng đất cho mục đích du lịch nông nghiệp, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án. Do đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương để bảo đảm quy trình phê duyệt và cấp phép được đơn giản, linh hoạt, nhanh chóng.

Thực tế, du lịch nông nghiệp đã nhận được sự quan tâm và động lực phát triển từ Chính phủ. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng nhà trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội, loại hình du lịch nông nghiệp chưa được đề cập cụ thể và làm nổi bật trong các quy định về tài nguyên du lịch, hoạt động du lịch. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp cùng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phát triển du lịch nông nghiệp và chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp... chưa được Luật Du lịch quy định cụ thể.

Để thúc đẩy sự phát triển của bất động sản du lịch nông nghiệp, cần có sự rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng. Điều này sẽ đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hoạt động. Cần thiết lập một khung pháp lý rõ ràng, đồng nhất và đầy đủ cho loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp. Quy định này nên bao gồm quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, quyền kinh doanh và quyền phát triển dự án, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Tại Hà Nội, việc tháo gỡ khó khăn về chính sách cho loại hình bất động sản này đã được Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Thản, đồng ý. Ông cho rằng, Nhà nước cần đơn giản hóa và tối ưu hóa quy trình phê duyệt, cấp phép cho các dự án du lịch nông nghiệp. Điều này có thể thực hiện bằng cách tạo ra quy trình rõ ràng, minh bạch và đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong quá trình xử lý hồ sơ để nâng cao hiệu quả.

Các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương đang mở ra nhiều cơ hội để đầu tư BĐS du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây là loại hình BĐS mới so với các phân khúc BĐS khác, chưa có nhiều người tham gia vào thị trường, nên có lợi thế và dư địa phát triển tại các địa phương, nhất là tại những vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng; vựa cà phê, hồ tiêu Tây Nguyên; miệt vườn Tây Nam Bộ, ruộng bậc thang Tây Bắc... Khu vực ngoại ô của Hà Nội đã và đang hình thành thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp và nông thôn hấp dẫn. Việc hoàn thiện khung pháp lý cụ thể cho loại hình này sẽ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp nông dân dễ dàng phát triển kinh tế. Đồng thời, điều này cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ người dân Thủ đô và du khách nói chung.

Được biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đã có quy định về việc sử dụng đất kết hợp nhiều mục đích khác nhau.

Theo đó, người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đa mục đích, được sử dụng một diện tích đất theo quy định của UBND cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Trường hợp sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa theo quy hoạch, phù hợp với quy định của pháp luật; được sử dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cũng tại Dự thảo quy đất sử dụng đa mục đích là đất được xác định mục đích sử dụng đồng thời kết hợp sử dụng với một hoặc nhiều mục đích khác có thể phân định được ranh giới hoặc không phân định được ranh giới của tùng mục đích sử dụng…

Vũ Quý