Cần bảo vệ thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản rau quả Việt Nam

23:00 17/04/2022

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng các thương vụ nước ngoài cần quảng bá, xây dựng, tư vấn bảo vệ thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản rau quả Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), các thương vụ nước ngoài cần quảng bá, xây dựng, tư vấn bảo vệ thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản rau quả Việt Nam cũng như của doanh nghiệp tránh bị xâm phạm, như vụ gạo ST-25 vừa qua.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cũng bày tỏ mong muốn thương vụ Việt Nam tại nước ngoài truyền tải thông điệp Việt Nam đang trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới.

Ngành gỗ Việt Nam tham vọng trong 3 năm tới sẽ vươn lên trở thành một trong những trung tâm chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Đồng thời kiên quyết phát triển ngành công nghiệp gỗ bền vững với nguồn nguyên liệu sạch, hợp pháp.

Cần bảo vệ thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản rau quả Việt Nam
Cần bảo vệ thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản rau quả Việt Nam.

Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu nhiều dăm gỗ, viên nén gỗ sinh khối, ván gỗ nhân tạo… Tất cả những sản phẩm này các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng lượng gỗ sạch. Nhưng đâu đó vẫn còn nghi ngại, hiểu sai cho rằng Việt Nam không đảm bảo gỗ sạch vì thế thời gian qua bị ách tắc một vài chuyến tàu viên nén gỗ sinh khối.

Hiệp hội Gỗ sẵn sàng cung cấp tài liệu chứng minh Việt Nam chỉ sử dụng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, với nguồn cung ứng nguyên liệu sạch, tin cậy để sản xuất chế biến sang thị trường Nhật.

Sản lượng sản xuất thép thô của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 12 trên thế giới. Hiện Asean là thị trường xuất khẩu thép truyền thống và lớn nhất của Việt Nam với 26,8%, tiếp đến là Trung Quốc, EU, Mỹ, Đài Loan (TQ).

Vì thế ông  Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) mong muốn các thương vụ tham gia kết nối nhu cầu nước bạn về sản phẩm thép với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu thép trong nước có uy tín.

Cần tổ chức đối thoại thường niên để tạo điều kiện cho hiệp hội và doanh nghiệp giao lưu với các doanh nghiệp phía bạn. Hỗ trợ doanh nghiệp thép quảng bá sản phẩm thông qua catalogue hoặc đưa các đoàn xúc tiến thương mại của Việt Nam ra nước ngoài để tìm hiểu, mở rộng thị trường. Cung cấp và cập nhật thông tin về các quy định, quy trình xuất nhập khẩu ưu đãi; thủ tục xuất khẩu của các thị trường tiềm năng thường niên…

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), khẳng định ngay các tham tán Việt Nam tại nước ngoài cũng không nghĩ năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam đã lớn như hiện nay. Vì thế, theo ông Phú, các công sứ nước ngoài cần hỗ trợ tổ chức các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam để thăm quan thực địa tại các cơ sở sản xuất chế biến thép trong nước.

Bởi chỉ có “nhìn tận mắt, sờ tận tay” mới giúp khách hàng nước ngoài hiểu rõ về ngành thép Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp và Hiệp hội Thép cần cung cấp các tài liệu truyền thông cho các tham tán để các đối tác hiểu hơn về ngành thép Việt Nam.

PV