Bình Thuận: Sản phẩm OCOP khẳng định chất lượng trên thị trường

23:24 17/07/2023

Sáng 17/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Tham dự tại đầu cầu UBND tỉnh, ông Mai Kiều – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì (theo ủy quyền của lãnh đạo UBND tỉnh), các thành viên Ban chỉ đạo và trực tuyến tại các điểm cầu UBND cấp huyện, xã trong tỉnh.

Tại hội nghị, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, hiện cả nước đã có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trung bình cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Đến thời điểm này, 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so với cuối năm 2020, chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Hiện có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, cả nước đã đánh giá, phân loại được 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao và 0,6% sản xuất tiềm năng 5 sao. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm…

Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu Bình Thuận
Ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tại điểm cầu Bình Thuận. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Tại Bình Thuận, hiện đạt 1.587 tiêu chí, bình quân đạt 17,06 tiêu chí/xã; có 72/93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 77,42% , trong đó có xã Trà Tân đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời, tỉnh tiếp tục duy trì 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM là Phú Quý và Đức Linh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh cơ bản tốt và khá toàn diện trên các nội dung, mức sống người dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn có chuyển biến tích cực, người dân đồng tình ủng hộ ngày càng sâu rộng.

Toàn tỉnh hiện có 70 sản phẩm đạt OCOP, là những sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh Bình Thuận như: nước mắm, sản phẩm từ cây thanh long. Trong số 70 sản phẩm OCOP, có 34 sản phẩm đạt 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, với 46 chủ thể…

Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận
Quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, việc vận động nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các tiêu chí liên quan đến môi trường, an ninh trật tự và nâng cao thu nhập của người dân.

Do đó, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về các phong trào thi đua xây dựng NTM. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông sản chủ lực ở địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Chương trình OCOP cần phải có những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế và đồng thời phải bảo đảm chất lượng. Sản phẩm OCOP cũng cần kèm theo những câu chuyện, giá trị văn hóa địa phương để thu hút người tiêu dùng. Các địa phương cần tập trung đề xuất giải pháp, sáng kiến và chia sẻ mô hình phù hợp để Chương trình xây dựng NTM thật sự thiết thực và có ý nghĩa.

Trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP, các địa phương cần trân quý sản phẩm nông thôn, ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP tại các sự kiện của địa phương, làm cho người dân tự hào về quê hương và tự tin với sản phẩm OCOP để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông thôn và tạo điểm nhấn thu hút du lịch nông thôn.

Quang Duy -  Vân Nguyễn