Bán lẻ Việt Nam là thị trường tiềm năng, hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước

22:20 12/05/2023

Sau 16 năm gia nhập WTO, thị trường bán lẻ Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi, được đánh giá cao về tiềm năng phát triển và vươn mình mạnh mẽ sau hội nhập.

Theo đó, ngay từ những năm đầu thập niên 2000, thị trường bán lẻ Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, với tỷ lệ bình quân 25%/năm và gia tăng rõ rệt khi Việt Nam gia nhập WTO vào tháng 1/2007. Hiện nay, thị, thị trường bán lẻ Việt Nam đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”, phong phú, đa dạng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng thời kỳ hội nhập và là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn đầu tư cả trong và ngoài nước.

Theo đó, nếu như ở thời điểm năm 2007 Việt Nam mới chỉ có 140 siêu thị và đại siêu thị, 20 trung tâm thương mại, thì tới nay theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Cùng với đó, quy mô của thị trường cũng tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức 42,5 tỷ USD vào năm 2007 lên mức 142 tỷ USD trong năm 2022.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, sau khi gia nhập WTO thị trường bán lẻ khá nhộn nhịp với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại như Cora (của Pháp, sau này là Centrall Retaill), Parkson (của Malaysia), Metro (của Đức, sau thuộc Thái Lan), Melinh Plaza (của Bahamas) đã nhanh chóng tham gia thị trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chính sự xâm nhập của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia vào nước ta cũng đã có tác động nhất định tới thị trường bán lẻ Việt Nam về mạng lưới, cách quản lý, tổ chức nguồn hàng, tổ chức dịch vụ phục vụ… Theo đó, các nhà bán lẻ nội địa như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh - Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Winmart/ Winmart+, Satra, Hapro… đã từng bước đặt nền móng, giúp thị trường đi theo hướng phát triển hiện đại, góp phần thúc đẩy tổng mức lưu chuyển hàng hóa thị trường bán lẻ Việt Nam tăng nhanh.

Trên thực tế, việc thị trường bán lẻ với quy mô càng lớn đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà bán lẻ. Cụ thể, theo ông Sử Ngọc Khương, các nhà bán lẻ trên thế giới khi nhìn vào Việt Nam họ đều chung nhận định đây là thị trường béo bở. Do đó rất nhiều nhà bán lẻ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam và hiện tại người tiêu dùng Việt Nam có thể mua các món hàng của Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… ngay tại trong nước. Từ đó thị trường bán lẻ Việt Nam còn phát triển lên một cấp khác nữa. Tuy vậy, ông Khương cũng chỉ ra rằng, khi thị trường càng béo bở thì mức độ cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo đó, trong suốt những năm qua thị trường đã chứng kiến nhiều tên tuổi cả nội lẫn ngoại phải dời cuộc chơi. Trong đó mới đây nhất là Công ty TNHH Parkson Việt Nam đã đệ đơn xin phá sản tự nguyện và sẽ rời Việt Nam sau 18 năm gắn bó. Trước đó, vào năm 2016 hãng phân phối Casino Group (Pháp) đã bán lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group; Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) tại Việt Nam sau đó đổi tên thành Mega Market Việt Nam; hay Auchan (Pháp) cũng bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam cho Saigon Co.op…

Trong cuộc đua khốc liệt này, các doanh nghiệp bán lẻ nội đã chứng tỏ được sức cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ, góp phần thay đổi cục diện của bán lẻ. Đơn cử Saigon Co.op đang cho thấy bản lĩnh của hệ thống bán lẻ thuần Việt khi phát triển được hơn 800 điểm bán với 10 mô hình bán lẻ khác nhau từ siêu thị, đại siêu thị, cho tới các cửa hàng chuyên doanh.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội GDP và tiếp tục là một trong những lĩnh vực tiềm năng. Chính vì thế cuộc đua giành thị phần bán lẻ ở Việt Nam sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn trong thời gian tới. Dù vậy, “cửa thắng” vẫn còn rộng mở cho tất cả, bao gồm cả doanh nghiệp nội nếu chiến lược kinh doanh và đầu tư bài bản, đúng hướng, đúng thị hiếu của người tiêu dùng.

Ngọc Phi (TH)

Tags: