Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 2000 tỷ đồng

16:34 05/05/2023

Trong 4 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.581 nghìn tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 214.800 tỷ và doanh thu từ dịch vụ khác ước đạt 202.000 tỷ đồng.

Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 510.700 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%). Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.581 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%); trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,5%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,1%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương như sau: Tp. Hồ Chí Minh tăng 9,1%; Hà Nội tăng 9%; Đà Nẵng tăng 7,2%; Bình Định tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 12,9%; Bình Dương tăng 12,2%; Cần Thơ và Thanh Hóa cùng tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10%; Quảng Ninh tăng 9,5%; so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 214.800 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 9.100 tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 202.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường trong nước là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để tăng trưởng GDP, để phát triển hơn nữa trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số và các sàn thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Cần phải chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống…

Ngọc Phi (th)