Âu lo sức tăng trưởng nhóm hàng điện thoại

00:00 12/10/2020

Sức tăng trưởng khiêm tốn của nhóm hàng điện thoại và linh kiện tại Việt Nam như hiện nay là điều đáng lo trước kết quả kinh doanh giảm sút của Samsung trên toàn cầu đã ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng này.

Mới đây, Bộ Công Thương cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của Samsung có dấu hiệu chững lại do kết quả kinh doanh giảm sút của Samsung trên toàn cầu đã ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu (XK) mảng điện thoại di động và linh kiện tại Việt Nam.

Mối lo từ Samsung

Ước tính lợi nhuận của Tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc) trong quý II/2019 giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được cho là do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc làm nhu cầu đối với chip điện tử và điện thoại di động giảm trên thị trường thế giới.

Trong bối cảnh nhóm hàng thiết bị điện tử mà nhu cầu tiêu thụ nội địa đã bước vào giai đoạn bão hòa nên tăng trưởng sản xuất không cao, theo Bộ Công Thương, Samsung dự kiến sẽ giảm lợi nhuận hàng năm trong quý thứ 3 liên tiếp khi giá chip giảm.

Nguyên do là vì tình trạng dư cung và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies – một khách hàng quan trọng của Samsung.

Số liệu thống kê cho thấy nếu tính riêng tháng 7 vừa qua, kim ngạch XK điện thoại các loại và linh kiện đã sụt giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong những nhóm hàng có kim ngạch XK lớn nhất của Việt Nam hiện nay đứng đầu vẫn là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện các loại, mà vai trò của Samsung có tính chất quyết định.

Tuy nhiên, sức tăng trưởng của nhóm hàng này trong 7 tháng đầu năm 2019 rất đáng lo, theo Tổng cục Hải quan, tuy đạt kim ngạch 27,48 tỷ USD, nhưng chỉ có mức tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Bởi lẽ, kim ngạch XK ngành điện thoại và linh kiện Việt Nam trong những năm trước đó luôn tăng mạnh từ mức hơn 20% đến hơn 50% (ngoại trừ quý I/2017 giảm xuống mức –10,7% do điện thoại di động Samsung Galaxy Note 7 gặp lỗi phải thu hồi).

Từ tháng 10 năm ngoái, khi bắt đầu xảy ra thương chiến Mỹ – Trung, kim ngạch XK của ngành đã quay đầu giảm mạnh.

Giới chuyên gia cho biết thị trường XK lớn nhất về nhóm hàng này của Việt Nam là Trung Quốc, rồi tới Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Thế nhưng, số liệu thống kê cho thấy trong 7 tháng qua, XK nhóm hàng này sang EU (28 nước) chỉ đạt 7,25 tỷ USD, giảm đến 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoại trừ XK sang thị trường Mỹ có mức tăng cao (77,8%), XK sang thị trường Hàn Quốc tăng ở mức khiêm tốn 6,4%, hoặc XK sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 3%.

Phập phù tăng trưởng

Cách đây hơn 2 năm, Ts. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) đã từng lưu ý về chuyện mỗi khi Samsung “hắt hơi”, gặp vấn đề về XK thì lập tức nhóm hàng điện thoại và linh kiện sẽ bị “sổ mũi” ngay. Không những vậy còn có thể gây ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của sản xuất công nghiệp.

Theo dự báo, thị trường smartphone (sản phẩm chủ lực trong nhóm hàng điện thoại) trên thế giới sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2019 sau 2 năm suy giảm liên tiếp trước.

Tổng số smartphone được bán ra trong năm nay sẽ giảm xuống còn 1,39 tỷ máy, tương đương với giảm 0,8% so với năm ngoái. Nguyên nhân được cho là vòng đời của sản phẩm này trong nhóm hàng điện thoại và linh kiện ngày càng cao.

Còn theo dự báo của EuroMonitor, thị trường điện thoại di động Việt Nam đến năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng vừa phải, với mức CAGR là 0,5% về số lượng và 8,3% về giá trị.

Có thể thấy, sự phập phù tăng trưởng XK ở nhóm hàng điện tử tiếp tục là bài học cho các doanh nghiệp (DN) nội địa có liên quan đến nhóm hàng này – vốn phụ thuộc rất lớn vào vai trò của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Lâu nay, DN FDI trong lĩnh vực điện thoại và các linh kiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng là một trong những động lực lớn nhằm thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ. Chẳng hạn như Samsung, dù năm nay dự kiến có khoảng 42 DN làm nhà cung ứng cấp 1 và đến năm 2020 sẽ tăng lên 50 DN, nhưng so với kỳ vọng thì vẫn còn quá xa.

Ông Frank Weiand, Giám đốc hợp phần liên kết DN nước ngoài thuộc Dự án kết nối DN nhỏ và vừa của Tổ chức USAID, lưu ý ngay cả khi các DN FDI chọn đầu tư và xây dựng nhà máy ở Việt Nam thì họ cũng mang theo những DN, nhà cung ứng của riêng họ, chứ không chọn các nhà cung ứng nội địa ở Việt Nam.

Trong bối cảnh Samsung đang đối mặt nhiều thách thức, theo Bộ Công Thương, để duy trì sức tăng trưởng sản xuất công nghiệp các tháng cuối năm, một giải pháp trọng tâm là việc hỗ trợ tích cực để các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, tham gia chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, các nhà lắp ráp trong nước và trên thế giới.

Hơn nữa, cần tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp.

Thế Vinh