Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với việc làm: IMF cảnh báo về thách thức và cơ hội

15:46 15/01/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có ảnh hưởng đến nhiều việc làm trên toàn cầu theo hướng tiêu cực lẫn tích cực, theo đánh giá của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Ảnh minh họa

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Ảnh  AFP

Trong cuộc phỏng vấn với AFP tại Washington D.C (Mỹ) trước khi rời đi Davos (Thụy Sĩ) để tham gia hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra từ ngày 15 đến 19 tháng 1, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã chia sẻ rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ảnh hưởng đến 60% việc làm ở các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế mới nổi. "Tiếp theo đó là 40% tại các thị trường mới nổi, 26% ở các nước thu nhập thấp", bà Georgieva trích dẫn từ báo cáo mới được công bố ngày 14 tháng 1 bởi IMF. Tổng cộng, AI sẽ ảnh hưởng gần 40% công việc trên toàn cầu, trong đó có một nửa hướng tiêu cực, trong khi phần còn lại có thể được cải thiện năng suất nhờ vào AI.

"Công việc của bạn có thể biến mất hoàn toàn, điều này không tốt, hoặc trí tuệ nhân tạo có thể nâng cao công việc của bạn, giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và có thể tăng thu nhập", bà Georgieva nói.

Theo báo cáo của IMF, tác động của AI đối với việc làm ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển có thể ban đầu là thấp, nhưng những địa điểm này có ít khả năng hưởng lợi từ công nghệ mới này. Điều này có thể làm tăng khoảng cách về mặt số hóa và chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia. Ngoài ra, người lao động ở độ tuổi cao có thể gặp nhiều khó khăn hơn do sự thay đổi từ AI.

Tổng giám đốc IMF kêu gọi cần tập trung hỗ trợ các nước thu nhập thấp để họ có thể nhanh chóng bắt kịp cơ hội mà AI mang lại. "Nó sắp đến, hãy nắm bắt nó. AI có đôi khi đáng sợ, nhưng nó cũng là cơ hội lớn cho mọi người", bà Georgieva nhấn mạnh.

Hải Anh t/h