Ảnh hưởng của giá xăng dầu đến nền kinh tế Việt Nam và một số giải pháp khắc phục

09:42 28/02/2022

Từ 15h hôm 21/02, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trong kỳ điều chỉnh lần này, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 960 đồng, RON 95 tăng 960 đồng/một lít và là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa nguồn Internet.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam và kinh tế toàn cầu đã làm nhu cầu sử dụng năng lượng nói chung và Xăng dầu nói riêng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của con người tăng mạnh. Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành công nghiệp, những tác động của cung - cầu và một số nhân tố khách quan khác thời gian qua đã làm cho giá dầu thô trên thế giới liên tục tăng lên, từ đó kéo theo giá xăng, dầu thế giới và trong nước tăng cao và luôn trong tình trạng bất ổn và khó dự đoán, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và tiêu dùng nói riêng cũng như nền kinh tế Việt nam nói chung. Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân gây biến động giá, từ đó đề ra các giải pháp cần thiết nhằm ổn định thị trường xăng dầu nội địa là vấn đề thời sự cấp bách mà các cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành chủ quản phải có trách nhiệm quản lý và điều phối một cách sát sao, kịp thời để đảm bảo đủ nguồn cung cấp cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong nước, góp phần ổn định nền kinh tế Việt Nam.

Giá dầu thế giới tăng, theo các chuyên gia kinh tế sẽ là lợi thế giúp Việt Nam tăng thu ngân sách từ dầu thô; các khoản thuế, như: Thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng gián tiếp tăng. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế đó thì giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng tăng theo, tác động không nhỏ tới các ngành sản xuất và tiêu dùng trong nước. Trên thực tế, kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam hiện nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu cho toàn bộ nền kinh tế là 37%. Trong đó, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế.  Như vậy, việc tăng chi phí xăng dầu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước dần vào giai đoạn hồi phục bởi đại dịch Covid 19 sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh cũng như tác động xấu đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Mặt khác, việc tăng giá xăng dầu sẽ kéo theo chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu để đảm bảo ổn định cuộc sống và đây cũng chính là nguyên nhân làm giảm tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế, từ đó kìm hãm sự phát triển của sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo quan điểm của ông Hoàng Văn Cường, Chuyên gia kinh tế, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: "Giá xăng dầu tăng sốc sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế hiện nay. Nếu giá xăng, dầu vẫn tiếp tục tăng sẽ là gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam (Vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của rất nhiều các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp đánh bắt thủy hải sản và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải..., sẽ ảnh hương tiêu cực cho nền kinh tế nói chung). Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Bộ Công Thương luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp với các doanh nghiệp xăng dầu và các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm nguồn cung và điều hành linh hoạt, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Trước việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thông báo nguy cơ dừng hoạt động từ giữa tháng 2/2022 do thiếu nguồn dầu thô nhập khẩu, vì tình hình tài chính khó khăn (Đây là đơn vị cung ứng xăng dầu lớn nhất cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước), nỗi lo khủng hoảng xăng dầu bỗng trở thành chủ đề nóng. Tuy nhiên, việc khan hiếm xăng dầu trong những tháng gần đây có dấu hiệu đáng ngờ. Vì theo tuyên bố của một số giới chức Nhà nước và các Bộ, ngành, tại cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương vào chiều 9/2/ 2022, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng vụ Thị trường trong nước khẳng định: Với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng và nguồn xăng dầu như hiện tại, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022, từ tháng 3/2022 thì nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho sẽ thấp hơn so với các tháng trước đó.

Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước từ tháng 3/2022, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

 - Thứ nhất: Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về cung ứng xăng dầu cần khẩn trương giải quyết những khó khăn, vướng mắc về vốn cho Nhà máy lọc dầu Nghi sơn, đồng thời chủ động tìm nguồn cung cấp khác (Không chỉ phụ thuộc vào Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn), để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. 

 - Thứ hai: Tập trung rà soát và tăng cường kiểm tra các dầu mối kinh doanh xăng dầu và có biện pháp mạnh đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu có biểu hiện găm hàng không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, trong khi lượng xăng dầu vẫn còn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân tại một số địa phương như phản ánh của dư luận trong thời gian qua đề nghị Bộ Công Thương phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế Việt Nam.

 - Thứ ba: Sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu một cách hợp lý trong điều kiện cho phép để làm giảm bớt áp lực về giá, giúp ổn định sản xuất, kinh doanh trong nước, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu.

 - Thứ tư: Sử dụng một phần quỹ dự phòng xăng dầu quốc gia theo hình thức đấu thầu công khai, rộng rãi và có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan có liên quan, để tránh các trường hợp tiêu cực (Quân xanh, quân đỏ hoặc thao túng giá ... sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng).

  - Thứ năm: Thực hiện công cụ tài chính để thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu một cách hợp lý bằng cách có thể giảm một số loại thuế, như: Thuế tài nguyên, thuế môi trường, thuế nhập khẩu...Mặt khác, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát các quy định về thuế, phí, tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, từ đó tạo lợi thế cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. 

 - Thứ sáu: Tăng cường công suất của nhà máy lọc dầu Nghi sơn đến mức tối đa, đồng thời cho phép các thương nhân đầu mối xăng dầu nhập khẩu (Tổng công ty Dầu Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam…) để bù đắp kịp thời cho nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh xăng dầu chi tiết, sát với thực tiễn; cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước để đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

PGS. Dương Đức Chính