ABBANK: Quan ngại nợ xấu gia tăng hơn 46% so với đầu năm

17:23 21/12/2021

Trước tình hình bùng phát dịch lần thứ 4, tình hình kinh doanh của ABBANK Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK, UPCOM: ABB) đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nợ xấu gia tăng hơn 46% đã đặt ra bài toán khó mà ABBANK phải đối mặt.

Tình hình kinh doanh khả quan vượt qua đại dịch

Tính đến hết ngày 30/09/2021, báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 năm 2021 của ABBANK ghi nhận những chỉ số vẫn giữ được đà tăng trưởng nhưng liệu đã thực sự “ấn tượng”?

Theo báo cáo, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, ABBANK đã đạt mức lợi nhuận trước thuế đạt 1.599 tỷ đồng. Với mục tiêu năm 2021 được ABBANK thông qua đầu năm nay ở mức thì ABBANK đã hoàn thành 78,9% kế hoạch. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ABBANK trong quý 3/2021 đạt xấp xỉ 407,9 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng lên này đến từ hoạt động tín dụng, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và các hoạt động khác của ngân hàng. Tuy nhiên, tăng trưởng có phần chậm lại ở thu nhập lãi thuần. Cụ thể, thu nhập lãi thuần và các  khoản thu nhập tương tự giảm 5,35% nhưng do chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm nhanh và mạnh  25,47%, từ đó làm cho thu nhập lãi thuần tăng lên. Hoạt động dịch vụ do ảnh hưởng bởi thời gian giãn cách vừa qua trên cả nước đã đóng góp vào mức giảm lợi nhuận của ngân hàng.

Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư của ABB cũng chưa thưc sự hiệu quả. Cụ thể, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh từ 88,05 tỷ đồng vào quý 3/2020 xuống còn âm 43,14 tỷ đồng. ngoài ra, hoạt động kinh doanh ngoại hối vào quý 3 năm nay đạt  32,35 tỷ đồng, giảm 69,94 % so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đã kéo theo kết quả kinh doanh của Ngân hàng này bị ảnh hưởng ít nhiều. Vậy nên, ABBANK nên đánh giá và cơ cấu lại hoạt động đầu tư với tỷ trọng và danh mục đầu tư mới để tránh ảnh hưởng chung đến kết quả hoat động của mình.

Ngoài ra, từ đầu đại dịch đến 30/09/2021 đã có 26.565 khách hàng tại ABBANK, với tổng dư nợ lên đến 14.613 tỷ đồng được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, số tiền lãi đã giảm cho khách  khách hàng là 53,5 tỷ đồng. Điều này làm cho kết quả kinh doanh của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng Tuy vậy, biên lãi ròng (NIM) của ABBANK vẫn duy trì ở mức 0,71%, tăng 0,02% so với quý 2/2021. Mặc dù biên lãi ròng (NIM) của ABBANK dương nhưng con số này là một con số khá khiêm tốn so các ngân hàng khác. Cụ thể, một vài ngân hàng có quy mô tương tự với ABBANK, tại quý 3/2021, NIM của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 0,88%; ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là 0,94%; ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank) là 0,94%,…

ABBANK cũng có hiệu quả kinh doanh khá tốt trong mùa dịch, mặc dù con số này còn hơi khiêm tốn so các “ông lớn”, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA)  của ABBANK cuối quý 3/2021 đạt 3,34% ( thấp hơn ROE của TB ngành là 15,96%), tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) đạt 0,29%.

Dòng tiền âm

Doanh nghiệp cũng như một cá nhân, một gia đình, bất cứ hoạt động mua sắm tài sản, máy móc, trả lương cho cán bộ nhân viên đều cần đến “tiền”. Dòng tiền là “dòng máu” duy trì tất cả các hoạt động kinh doanh, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Mặc dù lợi nhận của ABBANK vẫn tăng trưởng nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh trong quý 3/2021 của ABBANK âm 5.701 tỷ đồng. So với quý 3/2020, dòng tiền đã tốt hơn rất nhiều, từ âm 11 nghìn tỷ, thì nay còn hơn 5 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc ABBANK cho vay khách hàng và cho vay các TCTD khác và tiền gửi bị giảm. Nguyên nhân lớn nhất của việc tiền gửi bị giảm vẫn là do tác động tiêu cực của Covid làm ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động, đồng thời khi hạ lãi suất huy động thì họ có xu hướng rút tiền từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác như: trái phiếu, chứng khoán, bất động sản,… Điều này cũng là một điểm đáng lo ngại vì sức hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm hiện đang kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Hệ số khả năng thanh toán lãi vay của ABBANK vào quý 3/ 2021 đạt 0,62 lần, so với cùng kỳ năm trước là 0,28 lần. Hệ số này cho biết mức độ đảm bảo của EBIT cho 0,62 lần lãi vay phải trả.

Hệ số dòng tiền từ hoạt động kinh doanh/ doanh thu đã có sự cải thiện hơn, từ -6,69 lần quý 3/2020 thì nay còn -3,6 lần.vào quý 3/2021. Chỉ số này cho biết, một đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp có thể thu được bao nhiêu đồng tiền thực. Trên thực tế, hệ số này của ABBANK đang phản ánh 1 đồng doanh thu được ghi nhận thì ngân hàng đang phải bù lỗ 3,6 đồng tiền thực.

Ngoài ra, một phần đáng kể lợi nhuận của ABBANK nằm dưới dạng các khoản phải thu nên lưu chuyển tiền thuần thấp hơn lợi nhuận kế toán. Lưu chuyển tiền thuần bị ảnh hưởng bởi những khoản vay không thể thu hồi được (trở thành nợ có khả năng mất vốn), dẫn đến tình trạng tiền mặt bị giảm sút, làm ABBANK bị giảm khả năng thanh toán.

Dòng tiền âm và các chỉ tiêu về tính thanh khoản của  ABBANK rung lên hồi chuông cảnh báo về sức khỏe dòng tiền của ngân hàng đến với cả ban lãnh đạo và nhà đầu tư.

Cơ cấu nguồn vốn khá hợp lý

Theo báo cáo tài chính quý 3/2021, tổng tài sản của ABBANK đạt xấp xỉ 113.876 tỷ đồng, giảm 2,14% so với đầu năm. Nợ phải trả quý 3 năm nay chiếm tỷ trọng 91,23% trong cơ cấu nguồn vốn. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) là 10,4 lần.

Tỷ lệ này cho biết mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính trong cơ cấu vốn. Đối với các doanh nghiệp thông thường thì tỷ lệ này quá cao sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp và khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn nhưng đối với các tổ chức tín dụng như ngân hàng thì lại là khá hợp lý.

Quan ngại tỉ lệ nợ xấu NPL đứng thứ 3 hệ thống

Tệp khách hàng chính của ABBANK là những khách hàng doanh nghiệp SMEs, nhà thầu Điện lực EVN, cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, vay thấu chi, cầm cố và vay mua bất động sản. Mảng cho vay khách hàng quý 3/2021 tăng 3.193,3 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 5,1% so đầu năm. Tuy nhiên, việc cho vay tiêu dùng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mang tính hệ thống sau này bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid 19. Tại ABBANK, kết thúc 9 tháng năm 2021, nợ xấu nội bảng tăng 46,5% so với đầu năm, lên đến 1.939 tỷ đồng. Theo tính toán, tỷ lệ nợ xấu/ cho vay của ngân hàng tăng từ mức 2,79% hồi đầu năm lên đến 2,94% vào thời điểm kết thúc tháng 9 năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu NPL của ABBANK chạm mốc 2,91%, cao hơn so với tỷ lệ nợ xấu TB ngành là 1,76%. ABBANK hiện cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu xếp cao thứ 3 trong hệ thống ngân hàng.

Chất lượng nợ vay đã có xu hướng dịch chuyển tăng dần nợ nhóm 3 và nợ nhóm 5 trong cơ cấu nợ của ABBANK. Tính từ thời điểm đầu năm so với cuối quý 3 thì nợ dưới tiêu chuẩn ( nợ nhóm 3) tăng từ 208,5 tỷ đồng lên gần 604 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ABB là  945,6 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với năm 2020 là 622 tỷ đồng . Nợ cần chú ý ( nợ nhóm 2) – môt chỉ báo sớm của nợ xấu có xu hướng gia tăng 57,16%, chạm mốc 1.631,8 tỷ đồng. 

Nguồn: BCTC ngân hàng quý III/2021
Nguồn: BCTC ngân hàng quý 3/2021. 

Thống kê tỷ lệ trích lập dự phòng và tỷ lệ bao nợ xấu của các ngân hàng có thể thấy những con số rất lớn đã được trích trong 9 tháng.

Về tình hình trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 9 tháng của ABBANK chỉ tăng nhẹ trong khi tình hình nợ xấu của Ngân hàng này cao hơn so với TB ngành. Phải chăng ABBANK có hơi chủ quan trong vấn đề quản trị rủi ro nợ xấu trong bối cảnh nền kinh tế diễn biến phức tạp bởi dịch Covid 19 trong ngắn và trung hạn? 

Nguồn: BCTC ngân hàng quý III/2021
Nguồn: BCTC ngân hàng quý 3/2021. 

Về tỷ lệ bao phủ nợ (một trong những chỉ số dùng để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu) thì hiện tại  vẫn đang ở mức thấp là 66,7%. 

Nguồn: BCTC ngân hàng quý III/2021
Nguồn: BCTC ngân hàng quý 3/2021. 

Theo Thông tư 23 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng hiện tại là 9% theo Basel II. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ an toàn vốn tổng thể của các ngân hàng đã giảm từ 11,95% vào cuối năm 2019 còn 11,13% vào cuối năm 2020 và chạm mốc 11,37% vào cuối tháng 9/2021. Hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn CAR của ABBANK đạt mức 11,87%  vào cuối quý 3/2021, cao hơn so với quy định.

CASA, CIR, LDR – Bài toán về tối ưu chi phí và quản trị rủi ro

Với khoản tiền gửi không kỳ hạn, ngân hàng thường trả mức lãi suất rất thấp hoặc không cần phải trả lãi. Song song, ngân hàng có thể đem khoản tiền này đem đi cho vay. Tỷ lệ CASA của ABBANK có sự cải thiện, từ mức 12,78% vào đầu năm tăng lên mức 13,36% cuối quý 3/2021. Nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao hơn làm cho chi phí hình thành tài sản của ABBANK giảm đi mà NIM của ngân hàng này đã có sự tăng nhẹ vào cuối quý 3/2021.

Tỷ lệ CIR (Tỷ lệ chi phí hoạt động/ Tổng thu nhập HĐKD trước dự phòng) của ABBANK quý 3/2021 đạt 43,92%, cao hơn 1 chút so với tỷ lệ CIR của TB ngành là 43,80% (nguồn: Vietstock Finance). Đây là một con số khá cao, do đó, ABB cần phải tìm ra cách giải bài toán về tối ưu hoá chi phí để cải thiện lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng của mình.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng (LDR) trong quý 3/2021 đạt 99,42%, so với quý 2/2021 thì giảm 0,39%. Tuy nhiên, tỷ lệ LDR của ABBANK khá cao chứng tỏ số tiền mà ABB cho các tổ chức và cá  nhân vay nhiều, gần bằng mức huy động vốn, việc này có thể tiềm ẩn rủi ro (Theo các chuyên gia kinh tế mức độ an toàn của LDR dừng lại ở 80% hoặc 90 %. Tuy nhiên, con số này cũng chưa thật sự chính xác mà nó còn tùy thuộc ở mỗi ngân hàng).

Hồng Nhung

Tags: