3 quốc gia trong khối ASEAN rót vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam

23:55 03/09/2022

Singapore, Malaysia và Thái Lan là các quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng các nước nội khối có mức đầu tư cao nhất tại Việt Nam.

Ảnh minh họa
Nhà máy Nhiệt điện duyên hải 2 có công suất khoảng 1.200 MW, do công ty Janakuasa (Malaysia) làm chủ đầu tư. Nguồn ảnh EVN

Lượng vốn FDI từ ASEAN tăng đều qua các năm cho thấy nhiều điểm sáng trong thu hút FDI từ các nước trong khu vực. Thông qua nguồn vốn từ các nước nội khối, Việt Nam đã giải quyết được việc làm, nâng cao trình độ cho người lao động, có thêm cơ hội học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm và đổi mới công nghệ sản xuất. Song bên cạnh đó, Việt Nam cần lưu ý phát triển xanh, bền vững để bảo vệ môi trường, cũng như phân bổ tối ưu dòng vốn, tránh tập trung trong một lĩnh vực hay khu vực nhất định. Trong tương lai, nguồn vốn đầu tư của các nước ASEAN dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng với ba nước sau đóng vai trò chủ đạo.

Singapore

Đảo quốc sư tử dẫn đầu ASEAN đầu tư vào Việt Nam với số dự án và vốn đăng ký luôn chiếm tỷ trọng cao nhất và là nước đầu tư lớn thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt trên 67,5 tỷ USD. Tháng 8/2022, Singapore dẫn đầu 94 quốc gia và vũng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với số vốn FDI trên 4,53 tỷ USD.

Các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 706 dự án, có số vốn đăng ký là 25,58 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 190 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 18 tỷ USD, chiếm 26,7%; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện với 42 dự án với hơn 11,8 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 17,5%.

Các dự án đầu tư tiêu biểu của Singapore tại Việt Nam có thể kể đến dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Việt Nam - Singapore (VSIP) đang vận hành và phát triển trên các tỉnh thành Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Định, Quảng Ngãi, thu hút hơn 14,5 tỷ USD và tạo ra khoảng 272.300 việc làm; hợp tác giữa nhà đầu tư Ascendas với Công ty Protrade trong phát triển và quản lý Khu công nghiệp quốc tế Protrade rộng 500 ha tại tỉnh Bình Dương và Dự án Saigon OneHub, có diện tích 12 ha tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài khu công nghiệp, các doanh nghiệp Singapore như Keppel Land, CapitaLand và Mapletree đã đầu tư phát triển các dự án thương mại, du lịch và khu phức hợp tại những thành phố lớn.

Malaysia

Malaysia là quốc gia đầu tư đứng thứ hai trong khối (sau Singapore), chiếm 24% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam. Tính đến tháng 10/2021, tổng vốn đầu tư của Malaysia vào Việt Nam đạt hơn 13 tỷ USD với 664 dự án, xếp thứ 8 trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư của Malaysia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo với 7 dự án và 3,5 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 241 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,83 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực sản xuất điện với 6 dự án và hơn 2,66 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 20,5%.

Một số dự án nổi bật như Dự án Nhà máy Nhiệt điện duyên hải 2, có tổng vốn đầu tư đăng ký 2,4 tỷ USD tại tỉnh Trà Vinh; Dự án xây dựng công viên Yên Sở, tổng vốn đầu tư đăng ký 864 triệu USD tại Hà Nội.

Thái Lan

Đất nước nụ cười xếp thứ ba với 403 dự án và gần 7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 12% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam.

Đầu tư của Thái Lan phần lớn tập trung trong mảng công nghiệp sản xuất và chế biến với 242 dự án. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đầu tư trọng yếu vào năng lượng, bất động sản và các thương vụ mua bán sáp nhập trong ngành bán lẻ, tiêu dùng.

Khối doanh nghiệp tư nhân Thái Lan đã có nhiều đóng góp trong việc củng cố cơ sở hạ tầng về năng lượng của Việt Nam, bao gồm cả các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời, với tổng số sản lượng sản xuất đạt hơn 2.500 MW, tính theo số vốn đầu tư là 5 tỷ USD, tương đương hơn 1/3 của tổng tỷ trọng đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam.

Phần lớn các dự án của Thái Lan tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Trong số các dự án FDI của Thái Lan tại Việt Nam chỉ có 1 dự án vốn đầu tư trên 1 tỷ USD (Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam – Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn), chiếm 0,2% số dự án nhưng chiếm tới 39,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Có 13 dự án có vốn đầu tư trên 100 triệu USD với tổng vốn đầu tư 3,27 tỷ USD (chiếm 2% tổng số dự án và 25,1% tổng vốn đầu tư). Dự án quy mô từ 50 đến dưới 100 triệu có 17 dự án với tổng vốn đầu tư 1,157 tỷ USD (chiếm 2,6% số dự án và 8,9% tổng vốn đầu tư). Từ 10 đến dưới 50 triệu USD có 116 dự án, vốn đầu tư 2,46 tỷ USD (chiếm 18% số dự án và 18,9% tổng vốn đầu tư).

Hiện nay, các nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó vốn đầu tư tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo với 1.058 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 24 tỷ USD, chiếm 43% tổng vốn đầu tư của khối ASEAN tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư khối ASEAN đã có mặt tại 56/63 địa phương của cả nước, nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố và địa phương lớn nơi có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của cả nước như TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Dương, Hà Nội, Hải Dương. Trong đó, TP.HCM đứng thứ nhất về thu hút dự án của khối ASEAN với 1.169 dự án và 16,07 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 29% tổng vốn đăng ký của khối ASEAN tại Việt Nam.

Thanh Hà t/h