Tiết kiệm 200 triệu USD nhờ cải cách thủ tục thông quan

00:00 12/10/2020

Phấn đấu giảm giảm số lô hàng nhập khẩu (tính theo tờ khai hải quan) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn dưới 10% là mục tiêu được Chính phủ xác định cho năm 2018 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó Chính phủ yêu cầu tiếp tục giữ vị trí ngang bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các thủ tục hành chính một cửa.

Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào các cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ

Thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp cả nước đã có phản ứng rất tích cực đối với sự thay đổi từ phía các cơ quan chính phủ, đồng thời mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa việc cải cách sâu rộng công tác kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy lòng tin cũng như kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan chính phủ.

Từ đầu năm đến nay, các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành một số văn bản theo hướng cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan. Công tác này của Bộ Công Thương có thể nói đã đạt được những kết quả nổi bật. Một số Bộ khác cũng đạt kết quả khá như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các Bộ quản lý chuyên ngành đã rà soát, cắt giảm các mặt hàng chồng chéo, cùng lúc chịu nhiều hình thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan cũng như chuyển thời điểm kiểm tra chuyên ngành từ giai đoạn trong thông quan sang sau thông quan. Đặc biệt một số Bộ đã ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành trong các lĩnh vực: Kiểm tra nhà nước về chất lượng; kiểm tra điều kiện đối với phế liệu; kiểm dịch động vật; kiểm tra hiệu suất năng lượng; kiểm tra an toàn thực phẩm.

Số liệu cập nhật của Bộ Tài chính cho biết, ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Tuy nhiên, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn chiếm tỷ trọng lớn. Theo đó năm 2017, số tờ khai (lô hàng hóa) nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành so với tổng số lô hàng nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chiếm 19,4%. Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhiều, phạm vi quản lý và kiểm tra rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã số HS, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra; còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành do cùng một Bộ hoặc nhiều Bộ quy định. Việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn chậm.

Để khắc phục các hạn chế trên, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành để thu hẹp danh mục phải kiểm tra. Chỉ thực hiện việc quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mất an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý của nhà nước theo đúng tiến độ.

Quang Lộc