Không còn cảnh "ăn đong", visa vào Việt Nam đã hết rào cản?

00:00 12/10/2020

Không còn “ăn đong” theo từng năm nữa, song vẫn có nhiều quy định về xin thị thực vào Việt Nam đang là “rào cản” đối với sự phát triển ngành kinh tế xanh.

Từ 1/7, chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu (gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) với thời hạn 3 năm chính thức có hiệu lực. Thời hạn tạm trú không quá 15 ngày, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

Hưởng lợi đáng kể

Trước đây, chính sách miễn visa cho du khách 5 nước Tây Âu được triển khai theo kiểu “ăn đong” từng năm gây phiền hà cho doanh nghiệp và du khách. Tuy nhiên, đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục miễn visa cho thị trường này với thời hạn 3 năm. Trước đó, Quốc hội cũng đã cho phép Chính phủ thí điểm cấp visa điện tử. Đây là những cải cách quan trọng giúp thu hút khách Tây Âu nói riêng, khách quốc tế nói chung đến Việt Nam.

Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cho hay Việt Nam có thể được hưởng lợi đáng kể từ việc mở rộng diện miễn thị thực tới các nước phương Tây như Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ.

Với việc tạo thuận lợi cho cấp thị thực sẽ tăng số lượng khách đến khoảng 8-10% thì doanh thu trực tiếp tăng thêm 100 triệu đô la Mỹ - cao hơn rất nhiều so với số tiền phí thị thực thất thu là 17 triệu đô la Mỹ.

Cũng theo thông tin từ Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, chương trình miễn thị thực du lịch không phải là không có đi có lại. Điều này đặc biệt đúng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mỗi quốc gia như Singapores, Malaysia. Indonesia, Philippines đều thực hiện miễn thị thực cho hơn 160 nước. Mặc dù không phải tất cả quốc gia đó đều miễn thị thực song phương.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2010 - 2014, tổng lượng khách từ thị trường 5 nước Tây Âu đến Việt Nam chỉ tăng trung bình 5,35%/năm. Tuy nhiên, năm 2016 sau khi được miễn thị thực nhập cảnh, có 781.000 lượt khách Tây Âu đến Việt Nam, trong đó, số khách tăng thêm so với năm 2015 là 87.000 lượt. Với 87.000 lượt khách Tây Âu tăng thêm mang về tổng thu trực tiếp tăng thêm cho ngành du lịch hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt trên 124 triệu USD, tổng thu đạt 238 triệu USD. Con số này cao gấp hơn 100 lần so với 2,2 triệu USD thu được từ phí visa (25 USD/người) của 87.000 lượt khách (nếu không miễn visa). Điều đó cho thấy, miễn visa chẳng những không làm thất thu ngân sách mà còn mang về khoản ngoại tệ kếch xù cho quốc gia.

Vẫn còn điểm nghẽn

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành, vẫn còn nhiều quy định về xin visa vào nước ta đang là “chướng ngại vật” đối với doanh nghiệp và du khách.

Đơn cử, các nước Đông Nam Á chủ yếu miễn thị thực từ 30 - 90 ngày cho khách quốc tế, thì Việt Nam chỉ miễn visa trong 15 ngày, ngắn hơn thời gian trung bình đi tour của khách. Cho nên, dù lượng khách Tây Âu đến Việt Nam tăng đáng kể nhưng chúng ta vẫn chưa thể thu được lợi nhuận tối đa.

Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia, nhận định chính sách miễn thị thực khuyến khích du khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, nếu mở rộng thành 30 ngày thì thích hợp hơn vì hầu hết du khách đến từ các nước Tây Âu, nơi kỳ nghỉ kéo dài, họ thường phải lưu trú hơn 15 ngày.

Ngoài ra, theo ông Kiên, chính phủ có thể cân nhắc miễn visa cho công dân Australia, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan vì đây là các thị trường tiềm năng cao. Nếu được miễn visa, lượng khách Australia có thể đạt một triệu khách tới Việt Nam trong 5-10 năm tới, các thị trường khác đều kỳ vọng mức tăng trưởng là 20% nếu chính sách thị thực tốt.

Cùng với việc kéo dài thời gian miễn visa, Hội đồng Tư vấn du lịch còn kiến nghị chính phủ cấp visa transit cho khách đến Việt Nam trải nghiệm trong vòng 72 tiếng hoặc 48 tiếng mà không cần thị thực. Việc này giúp phát triển dịch vụ cho các hãng hàng không Việt Nam và tạo cơ hội cho khách trải nghiệm thời gian ngắn, sau đó quay lại nghỉ dưỡng dài hơn.

Theo ông Trần Trọng Kiên, với việc tạo thuận lợi cho cấp thị thực sẽ tăng số lượng khách đến khoảng 8-10%, thì doanh thu ngành du lịch tăng thêm 100 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với số tiền phí thị thực thất thu là 17 triệu USD.

Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch còn đánh giá, chính sách E-visa cần được tiếp tục cải thiện về tốc độ truy cập, cách tiếp thị website, quy trình đơn giản và dễ dàng hơn. Ngoài ra, cần phải cải thiện chính sách cấp visa tại cửa khẩu vì hiện tại việc này "rất phức tạp và không hiệu quả".

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thời gian qua, chính sách thông thoáng về visa, việc quảng bá tốt du lịch đã góp phần giúp Việt Nam liên tục giữ được mức tăng trưởng khách quốc tế đạt gần 30%. Khách nước ngoài hiện nay dù ở bất cứ nơi nào cũng có thể đăng ký cấp visa. 

Nha Trang