Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1/2023 đạt mức cao nhất trong 12 năm

17:24 02/04/2023

Với nhu cầu tăng cao từ các thị trường truyền thống, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1/2023 đạt mức cao nhất trong 12 năm trở lại đây với khối lượng lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá 952 triệu USD, tăng 19,3% về lượng và 30,2% về trị giá.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 tuy giảm 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.  

Ảnh minh họa
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý 1/2023 đạt mức cao nhất trong 12 năm. Ảnh minh họa.

Tính riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo ước đạt 900 nghìn tấn, trị giá 480 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD, tăng tới 68,3% về lượng và tăng 67,6% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 69,3% về lượng và 82,3% về trị giá. 

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu, giá gạo xuất khẩu cũng đang đứng ở mức khá cao với bình quân 533 USD/tấn trong tháng 3, giảm 0,5% so với tháng 2 nhưng tăng 7,6% so với cùng kỳ. Tính chung quý 1, giá xuất khẩu gạo đạt bình quân 531 USD/tấn, tăng 9,2% (45 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. 

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023 với 43,3% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 401,98 nghìn tấn và 204,69 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2023, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 304,6 lần).

Trong khi đó, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng tăng lên. Tính đến cuối tháng 3 giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng 468 – 472 USD/tấn, tăng 25 USD/tấn so với cuối tháng trước; giá gạo Jasmines cũng tăng khoảng 10 USD/tấn lên 548 – 552 USD/tấn.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện đang giao dịch ở mức 480 – 484 USD/tấn, tăng 27 USD/tấn so với tháng trước.

Ở chiều ngược lại, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ giảm 8 USD/tấn so với tháng trước, xuống còn 432 – 436 USD/tấn. 

Tại thị trường trong nước, giá lúa tươi biến động trái chiều giữa các địa phương tại khu vực ĐBSCL. Lúa thường IR50404 tại An Giang hiện có giá 5.900 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với tháng 2/2023; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.100 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá lúa giảm khá nhiều do đang vào vụ thu hoạch rộ, lúa IR50404 ở mức 5.900 – 6.100 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg, giảm mạnh 700 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg, giảm 800 đồng/kg. 

Trái lại, lúa IR50404 tại Vĩnh Long hiện có giá 6.700 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với tháng 2/2023. Bạc Liêu thu hoạch lúa Đông Xuân chậm hơn so với các địa phương khác, lúa Đài thơm 8 ở mức 6.300 – 6.500 đồng/kg, lúa ST24, ST25 ở mức 6.250 đồng/kg. 

Thị trường gạo các tỉnh miền Nam bình ổn: Tại Vĩnh Long, giá gạo IR50404 giữ ở 13.000 đồng/kg, gạo jasmine 16.000 đồng/kg; tại An Giang gạo IR50404 ở mức 11.500 đồng/kg; gạo jasmine 15.000 đồng/kg. Gạo thơm Thái Lan tại Tp.HCM ở mức 22.000 đồng/kg, thơm Đài Loan tại Tp.HCM và Vĩnh Long ổn định ở 24.000 đồng/kg (bán lẻ) và 19.000 đồng/kg (bán buôn). Gạo tẻ thường và gạo Tài nguyên tại thị trường Tp.HCM có giá 14.000 đồng/kg và 20.000 đồng/kg. 

Tại thị trường miền Bắc, giá gạo giảm nhẹ. Trong đó, giá bán buôn lúa Khang Dân tại Hà Nội ở mức 7.500 đồng/kg, gạo ở mức 13.000 - 14.000 đồng/kg; trong khi tại Hưng Yên giảm 500 đồng/kg xuống 10.500 đồng/kg. Tại Nam Định, gạo Bắc thơm giảm 500 đồng/kg xuống 15.000 đồng/kg; trong khi gạo tạp giao đứng ở mức 12.000 đồng/kg, thóc tăng 200 đồng/kg lên 7.700 đồng/kg.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, sản xuất gạo trong nước duy trì rất tốt, về cơ bản chúng ta sẽ có được nguồn cung xuất khẩu gạo ổn định. Còn đối với vấn đề thị trường, nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo của họ thì đấy cũng là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng như là các thị trường xuất khẩu gạo khác.

Bên cạnh đó, việc các nước đang mở rộng nhu cầu mua, đặc biệt là các thị trường truyền thống của Việt Nam, như: Trung Quốc, Philippines cũng sẽ giúp cho chúng ta có thể đảm bảo được lượng gạo xuất khẩu năm nay, phấn đấu đạt lượng xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn.

P.V