Xuất khẩu gạo 8 tháng trong nước đạt cao nhất từ trước đến nay

21:02 11/09/2023

Theo Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 20% so cùng kỳ.

Với mức tăng trưởng có thị trường gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái, các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana... là những quốc gia nhập gạo Việt Nam nhiều nhất.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 4 tháng cuối năm nay,  nhờ số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ đáp ứng, do nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới tăng đột biến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá gạo trong nước và thế giới liên tục tăng. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới song quan trọng hơn cả là phải đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Vấn đề phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, nâng cao thu nhập của người dân cũng như những thách thức trước mắt và lâu dài cho ngành hàng lúa gạo đang được cả xã hội quan tâm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, Việt Nam đang duy trì 7,1 triệu ha sản xuất lúa hàng năm, với sản lượng đạt từ 43-43,5 triệu tấn. Nếu giá lúa gạo tốt, thị trường tốt thì có thể mở rộng thêm diện tích. Ngoài mở rộng diện tích vụ Thu Đông thì mở thêm diện tích đã từng chuyển đổi sang mục đích khác, khi giá lúa gạo tốt có thể trở lại sản xuất lúa. Điều này, nông dân đã từng làm rất tốt. Cùng với đó là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để chi phí giảm, mà năng suất vẫn tăng.

Để bảo đảm rằng doanh nghiệp và nông dân chủ động sản xuất và tiêu thụ với vùng nguyên liệu đó, theo Thứ trưởng Hoàng Trung cần tạo liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liệu có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, hợp tác xã hay nhóm hộ. Điển hình những mô hình của Tập đoàn Lộc Trời, Trung An... Khi tập đoàn liên kết với nông dân thì doanh nghiệp đã tính toán được sẽ chủ động bao nhiêu sản lượng. Nông dân cũng yên tâm khi sản xuất ra đã có đơn vị tiêu thụ.

Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, mô hình liên kết với hợp tác xã và có sự chia sẻ lợi ích hài hòa, đặc biệt là sự chủ động vùng nguyên liệu. Khi doanh nghiệp chủ động được sản lượng, họ cũng sẽ chủ động được kế hoạch xuất khẩu và có ưu thế trong ký kết, đàm phán hợp đồng.

Chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là xây dựng chuỗi liên kết, từ cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, vùng nguyên liệu và đặc biệt là sự chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân hay hợp tác xã. Qua các hợp đồng ký kết, nông dân, hợp tác xã có thể yên tâm và có trách nhiệm với cam kết của mình.

Ngọc Phi (TH)