Việt Nam lọt top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới

15:08 29/01/2023

Theo số liệu trong Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD), tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng trưởng gần 5% so với năm 2021 (tương đương 1 tỷ USD) và đạt gần 19 tỷ USD. Như vậy, với con số ấn tượng này, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Ảnh minh họa
Kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. 

Kiều hối là sự dịch chuyển của dòng tiền từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài gửi về cho người thân, gia đình. Các loại tài sản được xem là kiều hối gồm: tiền hoặc các loại giấy tờ có giá, có đơn vị ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế. Đối với các nước, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, kiều hối mang lại những lợi ích tích cực và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.

Kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng nhưng không phải ai cũng hình dung được đóng góp quan trọng của dòng tiền này. Một mặt, kiều hối giúp bù đắp sự thâm hụt cán cân thương mại, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, giảm sức ép tăng tỷ giá của đồng đô la Mỹ; tăng nguồn vốn đầu tư... Mặt khác, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều đã góp phần cải thiện cuộc sống của những người nhận kiều hối, đồng thời giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ…

Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối. Để thu hút "nguồn lực vàng" này, nhiều ngân hàng thương mại trong những năm gần đây đã triển khai nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn, đặc biệt vào thời điểm dịp cuối năm khi kiều bào có nhu cầu gửi tiền về hỗ trợ người thân hoặc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như tại Ngân hàng MSB, lượng giao dịch kiều hối cuối năm tăng khoảng 30% so với các quý khác trong năm. Một số công ty kiều hối có thị phần thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cũng ghi nhận tổng lượng kiều hối chuyển về dịp cuối năm 2022 khá ổn định so cùng kỳ, trong đó, số lượt chuyển tiền về tiếp tục tăng trưởng. Như Công ty TNHH MTV Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBR) thống kê trong thời điểm gần Tết, lượng kiều hối chuyển về tăng mạnh, hơn 50% so cùng kỳ. Năm 2022, lượng kiều hối chuyển về cho thân nhân kinh doanh và đầu tư nhà đất vẫn là kênh tăng trưởng cao nhất so với năm 2021.

Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, kiều hối là một nguồn ngoại tệ vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm cân đối cung-cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá, tăng lãi suất là không nhỏ. Đồng thời, là một tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính giúp Việt Nam có thể bù đắp, giảm sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đất nước. 

Theo chuyên gia kinh tế -TS Vũ Đình Ánh, nguồn kiều hối có tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Theo đó, kiều hối giúp Việt Nam ổn định và cân đối cán cân tài khoản vãng lai, từ đó góp phần giúp cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam luôn ở trạng thái tích cực. "Chính vì vậy, chúng ta có điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng dự trữ ngoại hối sẽ góp phần củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam trong năm 2023, làm cơ sở hoạch định chính sách ngoại hối cho các năm tiếp theo", TS Vũ Đình Ánh nhận định.

Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Báo cáo trên nhận định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước. Cụ thể, theo số liệu của WB và KNOMAD, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6% - 4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021.

Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD. Như vậy, với con số ấn tượng này, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Ảnh minh họa
Tổng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng trưởng gần 5% so với năm 2021 (tương đương 1 tỷ USD) và đạt gần 19 tỷ USD.

So với hơn 22 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân năm 2022, lượng kiều hối chỉ kém hơn “chút đỉnh”. 

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh yêu cầu kiểm soát rủi ro nhằm tránh khả năng rửa tiền, thì làm sao để tăng được nguồn thu từ kiều hối một cách thực chất là một câu hỏi quan trọng mà cơ quan quản lý cần đặt ra để làm tăng nguồn cung ngoại tệ trong nước và góp phần vào phát triển nền kinh tế. Nói đây là vấn đề quan trọng bởi lẽ, hiện nay, người Việt sang lao động và học tập tại nước ngoài có số lượng tương đối đông đang tạo nhu cầu khá lớn cho hoạt động gửi tiền về Việt Nam với các mục đích khác nhau, như: trả nợ vay ngân hàng; hỗ trợ cuộc sống người thân, đầu tư bất động sản, các hoạt động kinh doanh... Đặc biệt hơn, khảo sát trong cộng đồng kiều bào của đại diện các Hội doanh nhân người Việt Nam tại các nước cho thấy, “thế hệ thứ 2” người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có nhu cầu rất lớn được trở về Việt Nam đầu tư. Nguồn lực này nếu được khai thác hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước.

Lâm Nghi t/h