Việt Nam dần tham gia sâu hơn trong các công đoạn sản xuất chip

11:12 07/07/2023

Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip tại Việt Nam với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam và đang có xu hướng tăng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Những bước tiến trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn

Tháng 3/2022, Tập đoàn FPT đã báo cáo Thủ tướng về việc thành lập Công ty cổ phần bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) vào tháng 3/2022. Đây là bước đi góp phần thực hiện giấc mơ bán dẫn của nhiều thế hệ người Việt Nam từ 1979 đến nay.

Tháng 9/2022, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc tập đoàn FPT), ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt Nam. 

Chip vi mạch đến từ Việt Nam vẫn là khái niệm xa lạ không chỉ với quốc tế mà ngay cả người dân trong nước. Tuy nhiên, FPT Semiconductor đã khẳng định người Việt có thể làm được khi ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.

Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.

Khách hàng đầu tiên và hiện là đối tác chiến lược của doanh nghiệp cùng phối hợp để phân phối các sản phẩm chip của FPT Semiconductor ở các thị trường Úc, Đài Loan, Trung Quốc. Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip "Make in Vietnam" đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, năm 2022 FPT Semiconductor thiết kế, sản xuất 3 dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với đơn đặt hàng 25 triệu chip trong năm 2024, 2025. 

“FPT đang thực hiện đơn đặt hàng 2 triệu chip cho đối tác Nhật Bản. Dự kiến 2023, FPT sẽ có thêm 7 dòng chip mới. Đầu năm 2024, FPT Semiconductor sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất dòng chip IoT platform cho ứng dụng thiết bị thông minh, IoT cho nông, lâm, thủy hải sản”, ông Nguyễn Vinh Quang nói. 

Hồi tháng 10/2019, Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel thông tin: Viettel đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G.

“Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ làm được con chip từ đầu đến cuối. Khi chúng tôi nói sẽ sản xuất chipset thì nhiều người không tin. Nhưng chỉ sau 3 năm, Viettel đã làm được chip”, đại diện Viettel nói.

Bà Bích Yến, chuyên gia về vi mạch bày tỏ: “Tôi cảm nhận được Việt Nam rất nhiệt huyết và quyết tâm trong sản xuất chip. Chúng ta làm thế nào kết hợp người Việt Nam trong và ngoài nước để biến ước mơ này thành hiện thực. Các trường đại học và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với nhau hơn để đào tạo nhân lực, nghiên cứu và đưa vào sản xuất các thiết bị này”.

“Quyết định sản xuất chip tại Việt Nam được đưa ra đúng thời điểm, khi thế giới đang thiếu chip còn Việt Nam thì đang triển khai công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm chuyển đổi sang chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, Tiến sĩ Majo George - Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT từng đưa ra nhận định.

Bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip sẽ là cơ hội để Việt Nam tự phát triển hoặc tiếp nhận chuyên môn công nghệ tiên tiến nhất. Bước tiến này có thể đầy thách thức nhưng đồng thời cũng sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất nổi bật của khu vực trong tương lai.

Mẫu tấm wafer chip vi mạch đầu tiên của FPT Semiconductor
Mẫu tấm wafer chip vi mạch đầu tiên của FPT Semiconductor.

Việt Nam có thể nghĩ đến tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi

Trả lời câu hỏi của truyền thông liên quan đến vấn đề thúc đẩy sự phát triển sản xuất chip tại Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) cho rằng, đặc điểm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là tất cả các công đoạn trong các khâu sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn như thiết kế, gia công, đóng gói, thiết bị, vật liệu ... đều rất chuyên sâu và có sự phân vai rõ ràng.

Điều này có nghĩa là mỗi công đoạn trong các khâu sản xuất do một số ít tập đoàn nắm công nghệ hàng đầu thực hiện. Việc gia nhập chuỗi sản xuất này đòi hỏi phải có thị trường, có sự đầu tư rất lớn về công nghệ và cả quan hệ địa chính trị.

“Công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam chủ yếu đang được đánh giá ở tiềm năng phát triển hơn là có vai trò chủ đạo. Hiện nay, tại Việt Nam, đang có Intel thực hiện một trong các công đoạn trong sản xuất chip là công đoạn đóng gói, công đoạn cuối cùng của sản xuất chip. Đồng thời, có Samsung và Amkor cũng đang triển khai đầu tư một số dự án", ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhận định.

Mới đây, ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam cũng đã cho biết khi Intel mới đến Việt Nam, hầu hết nguyên vật liệu phải nhập khẩu. Còn hiện nay, hơn 200 nhà cung ứng địa phương đang làm việc với nhà máy. Đây là tiền đề quan trọng hỗ trợ cho quy trình khép kín để tự chủ nguồn chip.

"Việc chính phủ, công ty Việt Nam nghĩ lớn và tham vọng tự chủ nguồn chip là hoàn toàn đúng đắn. Một số công ty đã thiết kế được vi điều khiển rất tốt dành cho những ứng dụng đặc thù. Tương lai Việt Nam sẽ có cơ hội lớn để làm ra nhiều chip hơn", ông nói.

Bên cạnh Intel, Samsung, Amkor, một số nhà sản xuất chip lớn đã đặt nhà máy ở Việt Nam, hình thành chuỗi cung ứng bán dẫn rộng mở. Một số tập đoàn công nghệ trong nước như FPT, Viettel đang đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, đặt mục tiêu xuất khẩu hàng chục triệu chip 'Made in Vietnam' ra thế giới. Hồi tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình về sản xuất chip điện tử.

Chia sẻ về tham vọng tự chủ quá trình sản xuất chip điện tử, ông Nguyễn Thiện Nghĩa chia sẻ, hiện có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip tại Việt Nam với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam và đang có xu hướng tăng. Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc, và tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn. Theo nhận định của các hiệp hội vi mạch quốc tế, nếu làm tốt xu hướng phát triển này, Việt Nam có thể nghĩ đến tự sản xuất chip từ năm 2030 trở đi.

“Hiện Bộ TTTT đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch cho Việt Nam. Ban soạn thảo, bao gồm các bên liên quan chính là các bộ, ngành như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các chuyên gia, hiệp hội đang tổ chức đánh giá thực trạng tại Việt Nam và thế giới, phân tích tiềm năng, phân tích xu hướng phát triển để có những đề xuất phù hợp cho công nghiệp vi mạch Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết.

Thu Mai (t/h)