Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh: CMCN 4.0 là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020

00:00 12/10/2020

Khép lại năm 2019 với nhiều biến động, thách thức, chiến tranh thương mại, bất ổn kinh tế chính trị trên thế giới, cùng hàng loạt những khó khăn nội tại, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu vượt bậc, được dự báo sẽ vượt mức tăng trưởng đề ra, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. Bước vào năm 2020, một năm được cho là sẽ có nhiều thách thức khó khăn hơn, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ ra sao, đâu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị và hành động thế nào? Để trả lời câu hỏi này, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

 Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Thưa Tiến sĩ, bà nhận định thế nào về kinh tế Việt Nam 2019?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Theo tôi, chúng ta đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng trong năm 2019. Mười hai chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội giao đều được hoàn thành, trong đó có những chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao. Các dự báo đều cho rằng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vượt mức 6,8%, thậm chí có thể cao 7,0%. Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, thể hiện ở chỗ tâm lý thị trường đã bình tĩnh hơn đáng kể trước những diễn biến bất lợi về thương mại, đầu tư trên thế giới. Niềm tin và đóng góp của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiếp tục được cải thiện, thể hiện ở cả sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư toàn xã hội... Những kết quả ấy không chỉ tích cực so với yêu cầu của ta, mà còn tốt hơn so với rất nhiều nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả phát triển kinh tế- xã hội càng đáng ghi nhận hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có không ít bất định, suy giảm kinh tế toàn cầu đã hiện hữu hơn, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, tiến trình hội nhập kinh tế khu vực còn gập ghềnh... Chính ở đây, sức chống chịu của nền kinh tế nói chung và năng lực điều hành chính sách, xử lý những tác động bất lợi từ môi trường kinh tế bên ngoài nói riêng đã được cải thiện đáng kể.

Bà có thể phân tích cụ thể về chất lượng tăng trưởng, những bất cập của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Nhìn nhận một cách khách quan, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã có sự cải thiện đáng kể. Tăng trưởng đã giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên khoáng sản: tỷ trọng của nhóm ngành khai khoáng giảm từ 8,1% năm 2016 xuống còn 6,7% trong 9 tháng đầu năm 2019. Tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại, nhưng bù lại ở chất lượng tín dụng, qua đó vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế có phần được cải thiện. Giai đoạn 2011 - 2015, tăng TFP chỉ đóng góp 33,58% vào tăng trưởng kinh tế, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 43,5% vào năm 2018, và dự kiến ở mức 42,7% năm 2019. Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2019, chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc, lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng. Quan trọng hơn, khu vực tư nhân có sức sống mạnh mẽ hơn, thể hiện qua tốc độ tăng đầu tư nhanh nhất, cũng như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức hai con số trong suốt năm 2019. Dù vậy, chất lượng tăng trưởng vẫn còn bất cập. Tỷ lệ đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế ở nước ta còn thấp hơn các nước phát triển (thường có tỷ lệ từ 50-60%). Quan trọng hơn, cải thiện về TFP trong những năm gần đây chủ yếu là do kết quả thực hiện một số chính sách, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại niềm tin cho thị trường và do đó tiếp tục huy động được vốn và lao động, mà chưa có đóng góp đáng kể của gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, vốn con người và công nghệ. Hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt là ở khu vực công, còn tương đối thấp. Đặc biệt, nhiều công trình trọng điểm từ nguồn vốn đầu tư công có tình trạng ách tắc vốn, kéo theo những hệ lụy như tăng thêm chi phí cho NSNN, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đối ứng của khu vực kinh tế tư nhân, ảnh hưởng đến năng lực sản xuất trong tương lai. Quản lý xuất xứ hàng xuất khẩu vẫn là một thách thức không nhỏ. Các hệ lụy về môi trường ngày một hiện hữu, thậm chí có diễn biến phức tạp hơn. Chính vì vậy, cải thiện chất lượng tăng trưởng là một yêu cầu cấp thiết, không chỉ trong năm 2020 mà còn cả giai đoạn tiếp theo.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, bất ổn kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam như thế nào, thưa bà?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Năm 2019 đã chứng kiến không ít khó khăn và bất định của kinh tế thế giới nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Nổi bật trong đó là căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; suy giảm/suy thoái kinh tế ở nhiều nền kinh tế lớn; bất định trong tiến trình Brexit; thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế chịu nhiều sức ép bất ổn; và tình trạng nợ gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Nhiều ngân hàng trung ương đã phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2019, dù đầu năm còn đề cập đến khả năng thắt chặt tài chính. Là một nền kinh tế mở và dựa nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam phải chịu tác động không nhỏ. Xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt (như EU, Trung Quốc) tăng chậm hơn, thậm chí giảm so với năm 2018. Việt Nam thực hiện CPTPP từ tháng 1/2019, nhưng xuất khẩu vào một số thị trường lớn (như Australia, Nhật Bản) chưa tăng đáng kể hoặc còn giảm mạnh. Không ít thị trường gia tăng sử dụng các hàng rào kỹ thuật, qua đó ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các kịch bản điều hành tăng trưởng được xây dựng sát sao, chi tiết và cập nhật thường xuyên hơn. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng. Nhờ vậy, tăng trưởng xuất khẩu vẫn ở mức tương đối cao. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí duy trì ở mức hai con số trong suốt năm 2019. Quan trọng hơn, cả các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp đã có một tâm thế bình tĩnh, sẵn sàng hơn để ứng phó với những khó khăn từ môi trường kinh tế bên ngoài - điều chúng ta chưa thấy được trong những năm trước đây.

Từ thực tế thuận lợi và những khó khăn đã qua, theo bà năm 2020, bức tranh kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển ra sao?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Ở kịch bản cơ sở cho năm 2020, dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, tăng trưởng kinh tế có thể ở mức 6,86% trong năm 2020, lạm phát bình quân ở mức 3,1%, tăng trưởng xuất khẩu có thể ở mức 8,12% và thặng dư cán cân thương mại có thể ở mức 1,9 tỷ USD. Dù vậy, những kết quả dự báo trên đây chỉ có tính chất tham khảo. Kết quả thực tế trong năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Trước hết, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào mức độ thực chất của kết quả đàm phán tiếp theo (nếu có) giữa Mỹ và Trung Quốc. Tiếp đến, rủi ro suy giảm/suy thoái ở các nền kinh tế chủ chốt có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, chưa kể hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài. Cuối cùng, việc thực hiện CPTPP, khả năng phê chuẩn EVFTA và khả năng tiến tới ký kết RCEP có thể tạo thêm sức hút cho nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, việc duy trì và thực hiện hiệu quả hơn khung chính sách hiện có - kết hợp giữa ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định. 

Vậy đâu sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam 2020, thưa bà ?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam năm 2010 vẫn dựa vào một số động lực chính. Thứ nhất, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng. Đà tăng trưởng này có thể lớn hơn khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gia tăng hoạt động ở Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt là khi Việt Nam đang chuẩn bị, tiến tới thực hiện sâu rộng hơn nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (CPTPP, EVFTA, RCEP, v.v.). Thứ hai, khu vực kinh tế tư nhân vẫn sẽ có tiếng nói và đóng góp quan trọng, nếu không nói là nhiều hơn. Từ thực tiễn năm 2019 với việc khu vực tư nhân hoàn thành một số công trình hạ tầng lớn, niềm tin đối với doanh nghiệp tư nhân trong việc chung tay, đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ phát triển hạ tầng - trên cơ sở bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm và trên cơ sở thị trường lành mạnh ngày càng được củng cố. Thứ ba, Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng mang lại nhiều cơ hội mới hơn, nhanh hơn, cùng với những mô hình kinh doanh, cách làm hiện đại hơn. Nếu kịp thời có những chính sách tiếp cận thông thoáng, hiệu quả, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những cơ hội này.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị và hành động gì để đón nhận cơ hội và thách thức trong năm mới, thưa bà ?

TS. Trần Thị Hồng Minh: Ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể có những cơ hội nhất định. Thực tiễn năm 2018-2019 chính là minh chứng sống động nhất. Niềm tin vào khả năng tận dụng cơ hội và xử lý thách thức trong năm 2020 đang hiện hữu, song chỉ có thể hiện thực hóa nhờ nỗ lực chủ yếu của cộng đồng doanh nghiệp. Chính ở đây, các doanh nghiệp cần không ngừng theo dõi diễn biến kinh tế, thương mại, đầu tư, giá cả... trên thị trường thế giới, để từ đó hoạch định, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Trong quá trình này, doanh nghiệp không đơn độc, mà có thể tìm kiếm hỗ trợ về thông tin, tư vấn pháp lý từ các cơ quan Chính phủ có liên quan. Thậm chí, doanh nghiệp cần chủ động đối thoại, đề xuất với các cơ quan Chính phủ về các vấn đề, rào cản chính sách cần tháo gỡ, chẳng hạn như trong các lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, thuế, logistics... Đồng thời, doanh nghiệp cần lưu tâm xây dựng, điều chỉnh chiến lược phát triển dài hạn, chủ động nghiên cứu xu thế phát triển mới, đánh giá tiềm năng thị trường trong nước và quốc tế. Căn cứ trên thông tin thị trường về nguồn lực, nguồn cung ứng và các kênh phân phối, doanh nghiệp cần xác định được thị trường và sản phẩm chiến lược, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động, sản xuất kinh doanh, kế hoạch phát triển sản phẩm để có thể “đi trước đón đầu” và linh hoạt ứng phó với thay đổi của thị trường. Chẳng hạn, chuyển đổi số có thể là một yêu cầu quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng kết quả phụ thuộc đáng kể vào bước đi cụ thể của từng doanh nghiệp. Một loạt các Hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội lớn hơn, đa dạng hơn, song cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải tổ chức mạng lưới cung ứng, quản lý xuất xứ hàng hóa... một cách hiệu quả. Tận dụng cơ hội và xử lý thách thức trong năm 2020 không phải là bước đi tạm thời, “đối phó” mà phải được doanh nghiệp lồng ghép hài hòa vào chiến lược kinh doanh dài hơi hơn.

Trân trọng cám ơn bà về cuộc trao đổi!

Trí Kiên - Ngọc Thái (thực hiện)