Vì sao giá trên sàn thương mại điện tử thường rẻ hơn?

00:00 12/10/2020

Không mất tiền thuê mặt bằng và làm truyền thông, cộng với sự trợ giá từ sàn thương mại điện tử, nhà bán có thể giảm các loại phụ phí để mang lại giá tốt cho người tiêu dùng.

“Một trong những lý do giúp chúng tôi có thể cung cấp sản phẩm với mức giá thấp hơn là do nhà bán hàng sẵn sàng đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá thêm chứ không phải chúng tôi chỉ bán các mặt hàng giá rẻ”, đại diện Lazada, lý giải nguyên nhân giá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) có xu hướng rẻ hơn các nền tảng kinh doanh khác.

Trên thực tế, các chương trình khuyến mại từ phía nhà bán chỉ là một phần lý do, còn rất nhiều yếu tố khác giúp khách hàng có thể mua được sản phẩm chất lượng với “giá hời” trên nền tảng mua sắm này.

Không cần thuê mặt bằng

Thuê mặt bằng để kinh doanh là nhu cầu tất yếu và gần như bắt buộc, song với những “lính mới”, bài toán chi phí này không hề đơn giản.

lazada anh 1

 Mở cửa hàng chỉ là bước khởi đầu, để duy trì hoạt động này, các hộ kinh doanh cần bỏ ra khoản phí không hề nhỏ.

Theo CBRE, giá thuê mặt bằng bán lẻ ghi nhận tại khu CBD (Central Business District) TP.HCM tiệm cận 140 USD/m2/tháng (khoảng 3,2 triệu đồng/m2/tháng). Còn ở các vị trí ngoại thành, con số này là 35,8 USD, tương đương 886.000 đồng/m2/tháng.

Như vậy, nếu thuê mặt bằng kinh doanh 20-40 m2, bạn sẽ phải chi trả ít nhất 65 triệu đồng mỗi tháng ở khu vực trung tâm và trên 17 triệu đồng ở ngoại thành. Con số này chưa bao gồm chi phí khác (điện, nước, Wi-Fi) và các khoản đầu tư ban đầu như trang trí cửa hàng, nội thất, nhân công…

Trong khi đó, với sàn TMĐT, câu chuyện này trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Nhờ chính sách mở gian hàng miễn phí, nhà bán hoàn toàn có thể tiết kiệm khoản chi phí trên mà vẫn đảm bảo “trưng bày” đủ mặt hàng và tiếp cận được lượng người dùng lớn dù không nằm ở vị trí “đất vàng”.

lazada anh 2

 Bất kể là cá nhân, hộ kinh doanh hay các công ty đang hoạt động ở trong hoặc ngoài nước đều có thể mở gian hàng miễn phí trên các sàn TMĐT.

Không cần xây dựng nền tảng bán online, tiết kiệm chi phí quảng cáo

Ngoài mặt bằng, các đơn vị kinh doanh luôn phải đầu tư rất nhiều ngân sách vào hạ tầng kho bãi, nguồn nhân lực và đặc biệt là các nền tảng bán online, chương trình quảng cáo để định vị tên tuổi trên thị trường. Theo báo cáo của Adsota, các thương hiệu tại Việt Nam đã chi tới 284 triệu USD chỉ riêng cho quảng cáo trực tuyến trong năm 2019.

Song thực tế, không ít doanh nghiệp dù sở hữu hàng trăm nhân viên vẫn phải ngậm ngùi “bỏ 4 đồng vốn” mới thu được “1 đồng lời” khi tự vận hành các hình thức tiếp thị.

“Chúng tôi tự thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng cáo trên báo chí, đài truyền hình, tổ chức sự kiện… nhưng hiệu quả so với chi phí bỏ ra chưa như mong muốn”, bà Minh An - Phó trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư Sagrifood - chia sẻ.

Lúc này, sàn TMĐT với độ phủ quảng cáo đa nền tảng, dễ tiếp cận người dùng được xem là sự lựa chọn khá lý tưởng cho các nhà bán nhỏ lẻ hoặc nhóm SME. 

Nhà bán hàng được hỗ trợ về giá

Đặc điểm của các sàn TMĐT là cho phép nhiều người cùng bán một mặt hàng. Các nhà bán sẽ dễ dàng thấy được giá bán của đối thủ, từ đó đẩy mức giá xuống thấp để cạnh tranh trực tiếp hoặc tung thêm nhiều ưu đãi.

Bên cạnh đó, các sàn TMĐT có những chính sách trợ giá nhà bán hàng tại một số thời điểm nhất định. Tùy từng thời điểm, sàn TMĐT còn hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách tung ra flash sale, ngày đôi khuyến mại hay freeship toàn sàn trong khung giờ vàng. 

Bằng cách này, sàn TMĐT giúp nhà bán giảm rất nhiều áp lực về cạnh tranh giá, tình trạng hủy đơn hàng và đặc biệt là chi phí logistics (xử lý đơn hàng, giao hàng, xử lý phát sinh sau mua…) mà nếu không được tối ưu, khoản phí này sẽ được giải quyết theo nhiều cách, chủ yếu là cộng thêm vào giá thành sản phẩm.

Hay nói cách khác, đây chính là cách làm “vẹn cả đôi đường”, vui lòng người bán, hài lòng khách mua của các sàn TMĐT.

Minh San - Giang Hà My