Thiếu nền tảng pháp luật, Việt Nam sẽ ‘lỡ chuyến tàu’ bước vào kỷ nguyên số

00:00 12/10/2020

Việt Nam có lợi thế để chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số thành công. Tuy nhiên, mấu chốt là phải thay đổi nhận thức và có nền tảng pháp luật thì sẽ chớp được cơ hội và phát triển.

so-hoa-nen-kinh-te-5122-1594811350.jpg

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển nền tảng công nghệ số.

Đây là nhận định được hầu hết các chuyên gia thống nhất tại Tọa đàm chính sách: “Tầm nhìn cho Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số”, do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VERP) tổ chức chiều 15/7.

Tiềm năng thị trường lớn

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 ở cả ba mức thấp, trung và cao có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD.

Còn dự báo của Tổ chức Cameron (Mỹ), nếu kịch bản tốt nhất xảy ra, Việt Nam thực hiện chuyển đổi số rộng khắp trên các ngành và xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, GDP có thể tăng thêm 3.750 nghìn tỷ đồng trong 20 năm tới, tăng trưởng thêm 1,3% mỗi năm.

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội này, Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang nền tảng kinh tế số.

Theo các chuyên gia, các nền tảng số đến Việt Nam không hề muộn, nhưng sự đón nhận của chính sách còn chậm, khiến Việt Nam chưa nắm bắt được cơ hội này. 

Ông Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng VERP nhận định, đối với việc điều hành hoạt động của các nền tảng, tư duy quản lý nền tảng số cần dựa trên đặc điểm của mô hình kinh doanh. “Áp dụng tư duy quản lý theo mô hình truyền thống dạng ống đối với nền tảng số sẽ cản trở những việc xây dựng hệ thống chính sách công bằng đối với kinh tế nhà nước. Vậy nên trước tiên, nhà hoạch định chính sách cần hiểu rõ về những mô hình nền tảng, phương thức hoạt động, tác động tới các đối tượng có liên quan”, ông Thành nói.

Cũng theo chuyên gia này, ở các nước phát triển, việc ứng dụng nền tảng kinh tế số đã trở nên phổ biến. Tại Trung Quốc, kể cả người quét rác khi đi ăn sáng cũng thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động.

Các chuyên gia đánh giá, tại Việt Nam, đang có nhiều lợi thế để phát triển ứng dụng công nghệ số. Bởi Việt Nam là nước có dân số trẻ nên nhu cầu sử dụng số hoá rất cao, từ nông thôn đến thành thị. “Hầu hết người trẻ hiện nay đều dùng internet và điện thoại thông minh”, ông Thành cho hay.

Bên cạnh đó, Chính phủ đang rất quyết liệt đẩy mạnh số hoá, nên sẽ có sự thay đổi nhận thức. Tuy nhiên, làm được hay không cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp startup.

Ngoài ra, hiện nay tại một số thành phố lớn, các trường tư thục xem công nghệ số là một môn học để đưa vào chương trình đào tạo như một môn học chính khoá. Điều này sẽ nhân rộng tư duy nghiên cứu ra các sản phẩm số. “10 năm nữa, Việt Nam sẽ có một nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất ra các sản phẩm từ nền tảng số”, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch HĐQT UPGen cho hay.

“Cởi trói” cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại toạ đàm, hầu hết các chuyên gia có chung nhận định để Việt Nam bước vào kỷ nguyên số cần có 2 yếu tố: thay đổi tư duy, nền tảng pháp luật.

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, sự lo lắng chuyển đổi số phát triển sẽ dẫn đến thất nghiệp sẽ có thể xảy ra. Vấn đề cốt lõi là chính sách có tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân dịch chuyển, khai thác ứng dụng công nghệ hay không.

Chẳng hạn, cần có chính sách về quyền bảo vệ về hợp đồng giao dịch trên thị trường, tài sản dữ liệu, tài sản số…

“Làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân tự do kinh doanh, tự do sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế số mới là quan trọng. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có đầy đủ nền tảng pháp luật, mọi người sẽ chớp cơ hội và phát triển”, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, Apple cho rằng, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đứng đầu về nguồn nhân lực sản xuất công nghệ. Tuy nhiên, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, kinh doanh nên hầu hết các startup dịch chuyển sang Singapore.

“Vì vậy, tiềm năng thị trường rất lớn để Việt Nam chuyển đổi số và số hoá, nếu có chính sách phù hợp các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào. Trên thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đang khai thác tốt, còn doanh nghiệp Việt Nam đang bị “trói chân” vì cơ chế”, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, hiện nay, tiềm năng con người đã có, nhưng do nền tảng luật pháp chưa vững chãi cho Việt Nam bước vào kỷ nguyên số.

“Các doanh nghiệp muốn nghiên cứu, sáng tạo và sản xuất ra các sản phẩm công nghệ thì phải có môi trường luật pháp để bảo đảm quyền lợi về tài sản là quyền sở hữu trí tuệ; có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích họ nghiên cứu…”, ông Nguyễn Đức Thành cho hay.

Thanh Hoa